Tầm nhìn trong tương lai, tỉnh này vươn lên trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước.
Ngày 30/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, năm 2030 tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thành phố Buôn Ma thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, tăng tính bền vững trong phát triển. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm thời kỳ 2021-2030 là 11%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt hơn 130 triệu đồng.
Những chỉ tiêu này được xác định là phù hợp trên cơ sở tham vấn ý kiến từ rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý bộ ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có không gian sinh thái, bản sắc, kết nối sáng tạo, là điểm đến yêu thích, đáng sống. Vươn lên trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước.
>> Lộ diện tỉnh Tây Nguyên duy nhất sẽ 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương 
Thành phố Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.
Thành phố Buôn Ma Thuột |
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột theo chủ trương của Thủ tướng đã cho phép. Đồng thời tiến hành thực hiện theo Nghị quyết 07 của Thủ tướng về áp dụng cơ chế đặc thù đối với TP Buôn Ma Thuột ở một số dự án, công trình quan trọng đã báo cáo UBND tỉnh để trình Uỷ ban thường vụ Tỉnh ủy, từ đó sẽ triển khai thực hiện các bước tiếp theo. Thứ 2, căn cứ vào quy hoạch chung, thành phố sẽ lập danh mục đầu tư để báo cáo tỉnh đưa vào danh mục đầu tư trên địa bàn thành phố sẽ có tăng cường quản lý đất đai xây dựng để quản lý tốt các nội dung đã được phê duyệt trong quy hoạch. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các đơn vị tổ chức thực hiện quy hoạch sau này”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk, “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đã mở ra những cơ hội phát triển mới với định hình các giá trị mới cho tỉnh. Trên cơ sở quản lý hợp lý hiệu quả các nguồn lực đất đai tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước cho mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu, kịp thời nắm bắt các cơ hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số đưa Đắk Lắk phát triển nhanh bền vững hội nhập và vươn lên vị thế mới”.
>> Phê duyệt quy hoạch Buôn Ma Thuột trở thành 'thành phố cà phê thế giới' 
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh đối ngoại với cả nước. Trong đó, Đắk Lắk được xem là trung tâm của vùng Tây Nguyên. Tại hội nghị công bố quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Đắk Lắk mới đây, một lần nữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Đắk Lắk có vị trí đặc biệt quan trọng, giàu tiềm năng, có bản sắc văn hoá đa dạng.
Có thể nói, việc xác định, nắm bắt và tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế cùng với quy hoạch tổng thể chung của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực tạo sự bứt phá từ “năm Rồng 2024” đưa kinh tế xã hội của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, phát triển nhanh và bền vững trên chặng đường mới.
>> Trung tâm công nghiệp mới dần hình thành tại một tỉnh miền núi phía Bắc 
Trung tâm công nghiệp mới dần hình thành tại một tỉnh miền núi phía Bắc 
Một tỉnh miền núi sẽ có thêm 3 thị trấn mới, người dân có thu nhập cao