Tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương quy hoạch khu trung tâm phía Nam rộng gần 400ha, quy mô dân số 37.000 người
Khu trung tâm phía Nam của thành phố được quy hoạch với chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch…
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho khu trung tâm phía Nam TP. Huế với diện tích khoảng 388,07ha, dự kiến quy mô dân số đến năm 2045 đạt khoảng 37.000 người.
Quy hoạch này bao gồm các chức năng quan trọng như trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ và du lịch. Khu vực đô thị trung tâm hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Ngoài ra, quy hoạch  còn nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc đặc trưng, đồng thời giữ gìn cảnh quan sông Hương, sông An Cựu và sông Như Ý.
Quy hoạch này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, triển khai các định hướng của Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Đây cũng sẽ là cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng trên địa bàn.
Khu trung tâm phía Nam (TP. Huế) sẽ tiến hành phân khu chức năng cụ thể cho từng khu vực, cụ thể:
Khu A (105,5ha) nằm ở phía Tây, giới hạn bởi sông Hương, sông An Cựu, đường Hà Nội và Hai Bà Trưng, bao gồm các chức năng trung tâm hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật, bảo tồn cảnh quan và chỉnh trang đô thị.
Khu B (106,3ha) là trung tâm khu vực quy hoạch, giới hạn bởi các trục đường Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu, Nguyễn Huệ và Hai Bà Trưng. Đây là khu vực đô thị hiện hữu, tập trung phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, văn hóa - thể thao hiện đại, với điểm nhấn cao tầng tại ngã 6 Hùng Vương.
Khu C (80,2ha) nằm ở phía Đông Bắc, giới hạn bởi sông Hương, sông Như Ý, và các trục đường Hà Nội, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học, Bà Triệu. Khu vực này phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phố đi bộ và cảnh quan ven sông.
Khu D (84ha) nằm ở phía Nam, giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Phan Bội Châu. Khu vực dân cư chỉnh trang dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, kết hợp bảo tồn cảnh quan sông An Cựu cùng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa.
Các khu vực điểm nhấn đô thị, khu vực ngã 6 (nút giao đường Hùng Vương – đường Đống Đa - đường Lê Quý Đôn) chiều cao tối đa 36 tầng; khu vực nút giao đường Lý Thường Kiệt - đường Đống Đa và đường Hùng Vương - đường Bà Triệu chiều cao tối đa 17 tầng; khu vực nút giao đường Lê Quý Đôn - đường Bà Triệu chiều cao tối đa 16 tầng; khu vực nút giao đường Đội Cung - đường Trần Cao Vân chiều cao tối đa 21 tầng; khu vực khách sạn dọc sông Hương (đường Lê Lợi) từ đường Đội Cung đến Đập Đá chiều cao tối đa 12 tầng.
Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng, UBND TP. Huế và các đơn vị liên quan thực hiện chức năng quản lý quy hoạch, xây dựng công trình theo quy định hiện hành. Việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng tại khu vực trung tâm phía Nam phải tuân thủ chặt chẽ theo quy hoạch phân khu và quy định quản lý xây dựng đã được phê duyệt.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, TP. Huế sẽ chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, cùng với TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, TP. Huế sẽ chính thức là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, cùng với TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ.
Dòng sông biểu tượng của xứ Huế sắp có đường đi bộ gần 2km trị giá hơn 200 tỷ đồng 
Huế dự chi hơn 100 tỷ đồng để bảo tồn, tôn tạo di tích Quốc Tử Giám