Ủy ban Kinh tế đã đưa ra cảnh báo thiếu điện từ trước khi diễn ra dịch Covid-19 và tình trạng này có thể diễn ra trầm trọng hơn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế là 6-7%.
Bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết khi Quốc hội tổng kết Nghị quyết 31 về dừng đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Ủy ban Kinh tế cũng đã kiến nghị xem xét lại chủ trương đầu tư lĩnh vực điện.
Thực tế về phát triển nguồn điện trong thời gian qua, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, sự phát triển ồ ạt của nguồn điện gió, điện mặt trời đã tác động đến nguồn cung hệ thống. Nguồn điện năng lượng tái tạo này cần phải phát triển có mức độ, chiếm tỉ trọng nhất định trong tổng đầu tư thôi chứ không thể phát triển ồ ạt.
“Vừa qua Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng, có nắng có gió mới ra điện mặt trời được. Trong khi vùng đó không có phụ tải để truyền tải điện đi. Muốn có truyền tải phải có quy hoạch, kế hoạch, có chiến lược đầu tư chứ còn đầu tư ồ ạt rồi không đầu tư hệ thống truyền tải thì không được”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.
Điều này cũng được Chính phủ thừa nhận khi đánh giá về phát triển nguồn điện tại quy hoạch 8 điều chỉnh. Theo đó, tổng công suất đặt nguồn điện năm 2019 là 56.000 MW tăng lên 69.300 MW vào 2020 nhờ sự phát triển của điện mặt trời (gồm điện mặt trời mái nhà).
Hiện miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW nhưng lại vượt gần 14.000 MW điện mặt trời. Trong khi đó, năng lượng tái tạo là nguồn điện biến đổi, phụ thuộc thời tiết, nên lượng điện năng thấp hơn 1/3 so với các nguồn điện truyền thống như điện than.
Sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải, gây ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.
Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.
Ông Thanh cũng nêu rõ thực tế, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi lại ở mức khoảng 6-7% như những năm trước, tình trạng thiếu điện sẽ còn diễn ra nhiều hơn chứ không phải như hiện nay.
Ông cho biết, về tình trạng thiếu điện hiện nay, Ủy ban Kinh tế “đã có báo cáo hết cả rồi”. Ủy ban Kinh tế đã chỉ ra rất rõ “địa chỉ” chậm ở các dự án nguồn điện do các tập đoàn năng lượng triển khai đầu tư, bao gồm Tập đoàn Điện lực, Dầu khí, Than và Khoáng sản.
Đặt trong bối cảnh thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) sẽ có nhiều bài toán đặt ra để đảm bảo cung ứng điện.
Trong đó, về phát triển thủy điện, hiện nguồn này đã khai thác tới 80% công suất nên dư địa phát triển thủy điện sắp tới gần như không còn. Trong khi đó trên thượng nguồn một số nước cũng làm thủy điện, ngăn làm thủy lợi. Dưới hạ nguồn thủy điện không còn dư địa phát triển.
Còn việc phát triển nguồn nhiệt điện than phải được đặt trong mối quan hệ với những cam kết của Việt Nam tại COP26 (về giảm khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050). Do đó, việc ứng xử với điện than cũng là câu chuyện phải tính. Ông Thanh thông tin thêm, sắp tới sẽ có chuyên đề giám sát về năng lượng do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện.
Theo thông báo ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), 9 hồ thủy điện về mực nước chết, 11 nhà máy phải dừng phát, gây thiếu hụt cho miền Bắc khoảng 5.000 MW. Mực nước tại thủy điện Hòa Bình chỉ đủ phát điện vào ngày 12 - 13/6, người dân sẽ phải đối mặt với tình trạng cắt điện luân phiên thời gian dài.
Thủ tướng kêu gọi toàn dân tăng cường tiết kiệm điện 
EVN được giao trọng trách lớn: Không để thiếu điện khi kinh tế tăng trưởng 2 chữ số 
Có điện, người dân vẫn phải đun bếp củi: Công ty bán điện hứa 'khắc phục ngay'