Tòa nhà 150 tỷ ở Hà Nội từng khiến báo Mỹ trầm trồ với 7 vòng xoáy ốc "khổng lồ", thể hiện thịnh vượng nơi thủ phủ gốm 500 năm tuổi
Nhiều người khi nhìn thấy toà nhà đều nghĩ rằng đây là biệt phủ của một đại gia gốm sứ bởi hình thù độc đáo và sự hoành tráng hiếm nơi nào có của nó.
Làng gốm Bát Tràng  (huyện Gia Lâm) từ lâu không chỉ là nơi sản xuất sản phẩm gốm độc đáo mà còn là điểm tham quan hấp dẫn của Thủ đô. Đặc biệt, một trong những công trình tiêu biểu không thể không nhắc đến “Nhà cộng đồng gốm sứ Bát Tràng”. Theo đó, công trình đặt tại thủ phủ gốm Bát Tràng, kế bên sông Bắc Hưng Hải, con sông nổi tiếng của Hà Nội . Công trình có tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng và là một phần của Trung tâm “Tinh hoa làng nghề Việt Nam” nhằm phát triển các làng nghề và bảo tồn nét đẹp truyền thống làm gốm hơn 500 năm tuổi.
Ảnh: Internet
Được biết, công trình độc đáo này do văn phòng kiến trúc của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào thiết kế từ năm 2018 với nguồn cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau. Dự án hy vọng góp phần tái hiện khung cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập của chợ gốm sứ xưa.
Theo đó, công trình bên ngoài có 7 khối vòng xoay tượng trưng cho 7 bàn xoay vuốt gốm - một công cụ không thể thiếu của các thợ làm gốm truyền thống. Cách sử dụng những vòng xoáy ốc khổng lồ này tạo nên những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại gây ấn tượng với du khách ngay từ những bước chân đầu tiên. Đi cùng với thiết kế độc đáo là tông màu chủ đạo nâu đất, đây chính là màu của đất sét - nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa dòng sông Hồng, bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng gốm.
Ở một góc nhìn khác, công trình gợi nhớ đến hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa. Ảnh: Internet
Đặc biệt, công trình được xây sát bên bờ sông Bắc Hưng Hải, do vậy khi du khách đứng trên các tầng cao, hoàn toàn có thể nhìn ra bờ sông, là một cảnh quan hấp dẫn. Nắm bắt được ưu điểm trên, chủ đầu tư đã thi công thêm khu vực để thư giãn, thưởng thức cà phê tại đây, đem lại cảm giác rất thân thiện, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên.
Cụ thể, toà nhà  gồm có 5 tầng. Không gian tầng 1 dành cho những khu chợ phiên, những buổi sự kiện và cũng là nơi trưng bày sản phẩm. Tầng 2 là khu vực giới thiệu các nhóm sản phẩm gốm sứ, thủ công mỹ nghệ tới du khách trong và ngoài nước, kết hợp khối văn phòng quản lý của trung tâm. Tầng 3 là khu nghỉ, homestay với 9 phòng, trong đó 2 phòng legacy đều có không gian khách với bàn uống trà và không gian ngủ, 7 phòng story chỉ có không gian ngủ, vệ sinh khép kín. Đặc biệt, tầng 4 là không gian cà phê, điểm check-in ngoài trời và tiếp nối với tầng 5 là nơi tổ chức sự kiện, hoạt động nghệ thuật dân gian, ẩm thực phục vụ khách tham quan và khách lưu trú.
Không gian uống cafe với tầm view đẹp mắt. Ảnh: Internet
Mỗi tầng là một điểm nhấn độc đáo khác nhau. Ảnh: Internet
Khi tới đây, du khách còn có thể thử hoá thân thành các nghệ nhân làm gốm. Ảnh: Internet
Đây có thể nói là địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu miền Bắc, đặc biệt là những bạn trẻ ở Hà Nội và các vùng lân cận đến tham quan, chụp ảnh dịp cuối tuần.
Thủ đô Hà Nội sắp có một tuyến du lịch mới 
Đi du lịch từ Bát Tràng đến Hưng Yên dễ hơn bao giờ hết nhờ ‘cầu nối’ từ đường sông