Toà nhà chọc trời 100 nghìn tỷ đồng cao 119 tầng, trang bị hơn 100 thang máy siêu tốc nằm giữa lòng thành phố đông dân bậc nhất Trung Quốc
Công trình này được xây dựng với mục tiêu trở thành một trong những tòa nhà chọc trời tiên tiến và bền vững nhất thế giới.
Tọa lạc tại khu tài chính sầm uất Lục Gia Chủy (Phố Đông, Thượng Hải, Trung Quốc), Tháp Thượng Hải với chiều cao 632m và phần thân chính gồm 119 tầng đã từng giữ vị trí tòa nhà  cao thứ hai thế giới. Toà tháp  này có độ cao vượt xa Trung tâm Tài chính Thế giới Thượng Hải (492m) nằm gần đó.
Tháp Thượng Hải hiện là tòa nhà cao thứ ba thế giới, đứng sau tòa nhà Merdeka 118 (cao 679,2m ở Kuala Lumpur, Malaysia) khánh thành năm 2022 và tháp Burj Khalifa (cao 828,2m ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Dự án Tháp Thượng Hải khởi công từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 5/2015, với tổng vốn đầu tư lên tới 2,4 tỷ USD (khoảng 105 nghìn tỷ đồng). Tòa tháp này được thiết kế đặc biệt để phục vụ các tập đoàn tài chính hàng đầu và là nơi làm việc của các cơ quan Chính phủ Trung Quốc. Với diện tích sử dụng lên đến 380.000m2, tòa tháp này mang lại tầm nhìn toàn cảnh tuyệt đẹp của thành phố Thượng Hải cả ban ngày lẫn ban đêm.
Được thiết kế bởi công ty kiến trúc Genster của Mỹ cùng trưởng nhóm thiết kế - kiến trúc sư người Thượng Hải Jun Xia, tháp nổi bật với kiến trúc xoắn ốc độc đáo. Hệ thống lan can của tòa nhà cũng được xây dựng theo dạng xoắn ốc, giúp hấp thụ nhiệt hiệu quả, tối ưu hóa điều hòa không khí và sưởi ấm. Với 9 hình trụ xếp chồng lên nhau và mặt ngoài toàn bộ được phủ kính trong suốt, tòa tháp có đẹp vẻ sang trọng thu hút từ mọi góc nhìn.
Mỗi tầng của Tháp Thượng Hải đều được trang bị nhà hàng, sân vườn, quán cà phê và cửa hàng tiện ích để phục vụ cư dân cùng hầm gửi xe khổng lồ với sức chứa 2.000 phương tiện. Về mặt thiết kế và công nghệ hiện đại, tòa tháp này không thua kém tòa nhà cao nhất thế giới tại Dubai.
Với 106 thang máy siêu tốc di chuyển với tốc độ lên tới 1.080m/phút (tương đương 65km/h), hệ thống thang máy của Tháp Thượng Hải còn được trang bị khả năng tái sinh điện tử, giúp giảm lượng điện tiêu thụ đến 30% so với thang máy thông thường.
Tháp Thượng Hải được xây dựng với mục tiêu trở thành một trong những tòa nhà chọc trời tiên tiến và bền vững nhất thế giới. Lớp kính trong suốt của công trình là một phần quan trọng của “thiết kế xanh” khi bao quanh toàn bộ tòa nhà, giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách điều chỉnh nhiệt độ giữa các lớp bên trong và bên ngoài. Qua đó làm ấm không khí vào mùa đông và tản nhiệt vào mùa hè.
Nhóm kỹ sư đã thiết kế mặt tiền bằng kính bên ngoài có độ xoắn 120 độ để giảm tới 24% tác động của gió lên tòa nhà. Việc giảm được tác động của gió cũng giúp giảm lượng vật liệu xây dựng. Tháp sử dụng ít hơn 25% thép kết cấu so với các thiết kế thông thường có cùng chiều cao.
Bên cạnh đó, với việc lắp đặt 270 tua bin gió thẳng đứng gần đỉnh của công trình cũng giúp cung cấp khoảng 10% điện năng cho tòa nhà. Tòa tháp đã giành được giải thưởng về tính bền vững từ Ủy ban Xây dựng xanh Trung Quốc, được Hội đồng Xây dựng xanh của Mỹ công nhận.
Nhiều năm trước, Thượng Hải từng là một làng chài nhỏ. Nhưng nhờ vị trí nằm cạnh cửa sông phía Nam sông Dương Tử, nó đã trở thành thành phố lớn nhất Trung Quốc và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới với 26 triệu dân.