Xã hội

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam

Thái Hà 07/04/2025 16:00

Tòa thành này cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 17km, có diện tích bảo tồn gần 500ha.

Cổ Loa là một trong những di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng hai lần giữ vai trò là kinh đô đất nước: dưới thời An Dương Vương – nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III trước Công nguyên) và thời Ngô Quyền (thế kỷ X).

Tòa thành đất đầu tiên của Đông Nam Á

Vào khoảng thế kỷ III trước Công nguyên, sau khi nước Âu Lạc được thành lập, An Dương Vương đã chuyển trung tâm đất nước từ Bạch Hạc (Việt Trì) về vùng Cổ Loa để định đô và xây dựng thành trì. Thành Cổ Loa được kiến tạo với quy mô lớn, phản ánh trình độ kỹ thuật quân sự tiên tiến của nền văn minh Việt cổ.

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam - ảnh 1
Phối cảnh tổng thể Khu di tích thành Cổ Loa. Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Hiện Khu di tích Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 17km, có diện tích bảo tồn gần 500ha. Đây là một địa chỉ văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học phản ánh quá trình phát triển liên tục của dân tộc từ thời kỳ đồ đá, đồ đồng đến đồ sắt, mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn – được xem là nền văn minh sông Hồng thời tiền sử.

Thành Cổ Loa được khẳng định là tòa thành đất cổ nhất, có quy mô lớn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương và được lưu truyền trong truyền thuyết, thành Cổ Loa còn được nhắc đến trong nhiều bộ sử của Việt Nam và Trung Quốc như Hậu Hán thư, Thủy kinh chú, Nam Việt chí, An Nam chí lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Dư địa chí, Việt sử thông giám cương mục…

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam - ảnh 2
Mô hình thành Cổ Loa. Ảnh: Hoàng thành Thăng Long

Theo truyền thuyết và các thư tịch cổ, Cổ Loa có cấu trúc “xoắn như hình trôn ốc”, rộng hơn ngàn trượng. Một số tư liệu cổ của Trung Hoa cho rằng thành có 9 vòng, nhưng hiện nay chỉ còn ba vòng thành: thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Trong khuôn viên thành, nhiều địa danh liên quan đến hoạt động quân sự vẫn được ghi nhớ như Đống Bắn (nơi luyện cung nỏ), Ngự Xạ Đài (nơi nhà vua quan sát quân lính tập luyện), Vườn Thuyền (nơi neo đậu thuyền chiến) hay gò Cột Cờ (nơi treo cờ đại của nhà nước Âu Lạc).

Các lũy thành đều có hào nước bao quanh, vừa là tuyến phòng thủ, vừa đóng vai trò giao thông nội bộ và đường rút lui khi gặp nguy hiểm.

Công trình quân sự kiên cố và sáng tạo

Thành Cổ Loa không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô mà còn thể hiện trình độ tư duy quân sự đặc biệt của người Việt cổ trong thời kỳ chưa có hỏa khí.

Theo ghi nhận trong cuốn Lịch sử kỹ thuật quân sự Việt Nam, thành được xây dựng như một hệ thống phòng vệ nhiều lớp. Địch muốn tiếp cận trung tâm thành phải vượt qua các lũy tiền vệ, khoảng trống phòng thủ, hệ thống hào rộng từ 20-30m và cuối cùng là ba lớp thành kiên cố. Các đơn vị thủy quân trong thành có thể phối hợp tác chiến khi cần thiết.

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam - ảnh 3
Thành hào Cổ Loa. Ảnh: Thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa cũng là căn cứ thủy quân chiến lược. Với sông Hoàng làm hào thiên nhiên, nối với hệ thống sông Hồng và sông Cầu, quân đội có thể tiếp cận các khu vực khác hoặc thoát khỏi thành khi cần. Đầm Cả ở góc đông bắc thành có sức chứa hàng trăm thuyền, giúp tăng cường khả năng cơ động cho lực lượng phòng thủ.

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam - ảnh 4
Mô hình nỏ Liên Châu của An Dương Vương. Ảnh: @blissbio_official

Một điểm đáng chú ý khác là việc tận dụng địa hình tự nhiên để xây dựng. Các gò đất cao được nối liền bằng các đoạn đắp thủ công, tạo nên vòng thành khép kín. Nhờ vậy, tiết kiệm được đáng kể sức người và tài lực. Hình dạng không cân xứng của thành Trung và thành Ngoại phản ánh quan điểm chú trọng tính phòng thủ hơn là yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc quân sự.

Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam - ảnh 5
Đền Thượng - nơi thờ An Dương Vương. Ảnh: Thành Cổ Loa

Quá trình xây dựng thành Cổ Loa được cho là rất gian nan do địa hình ao hồ lầy thụt và bối cảnh xã hội nhiều xung đột bộ lạc. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm và kỹ thuật chống lầy của các bộ lạc vùng thấp, An Dương Vương đã chinh phục và tập hợp lực lượng, hoàn thành công trình trọng yếu này.

Cổ Loa không chỉ là minh chứng sống động về trình độ tổ chức xã hội và kỹ thuật xây dựng của người Việt cổ, mà còn là biểu tượng lịch sử đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

>> Giai thoại về vị Vua Hùng đầu tiên lên ngôi nhờ thi tuyển, có vợ được tôn là Thần, ‘tác giả’ của loại bánh quen thuộc với tất cả người Việt

Tin vui: Người lao động nhận 490% lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2025, cao gấp 5 lần ngày thường

Dự báo thời tiết 6/4/2025: Miền Bắc mưa giông dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/toa-thanh-dat-hon-2000-tuoi-co-sau-thoi-hung-vuong-cau-truc-doc-dao-va-quy-mo-nhat-dong-nam-a-la-cong-trinh-quan-su-vi-dai-trong-lich-su-viet-nam-139905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tòa thành đất hơn 2.000 tuổi có sau thời Hùng Vương: Cấu trúc độc đáo và quy mô nhất Đông Nam Á, là công trình quân sự vĩ đại trong lịch sử Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH