Toàn cảnh tuyến đường 10 làn xe trùng với dự án Vành đai 4 tại Bình Dương
Dự án Vành đai 4 TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài hơn 47km, trong đó có 12km trùng tuyến đường hiện hữu với quy mô 10 làn xe.
Dự án đường Vành đai 4  TPHCM đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài hơn 47km với tổng mức đầu tư 18.993 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý 4 năm nay.
Trong ảnh là đường NE2 tại TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) được chọn là một đoạn của Vành đai 4 TPHCM. Đoạn còn lại sẽ xây dựng mới theo quy chuẩn chung với các tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Dự án sẽ được chia thành 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng) đã được UBND tỉnh phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị đầu tư và phê duyệt hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng. Dự án thành phần 2 (xây lắp) đang chuẩn bị được khởi công.
Đáng chú ý, đoạn đường hiện hữu NE2 dài khoảng 12km đi qua TP Bến Cát với quy mô 10 làn xe, được đánh giá là một trong tuyến đường hiện đại của tỉnh Bình Dương.
Đây được xem là lợi thế của tỉnh này khi làm đường Vành đai 4. Tuy nhiên, Sở Giao thông vận tải TPHCM - đơn vị được giao chủ trì phối hợp với các địa phương - lại bày tỏ sự lo ngại rằng đoạn đường hiện hữu này không đạt chuẩn cao tốc và quy chuẩn chung của dự án.
Trong ảnh là điểm đầu đoạn đường hiện hữu NE2 giao với đường DT 748.
Đường NE2 - đi qua KCN Mỹ Phước 3 tại TP Bến Cát - có điểm giao với đường Mỹ Phước Tân Vạn với mật độ phương tiện giao thông đi lại cao, đặc biệt là các xe container. Bên cạnh đó, tuyến đường này còn kết nối các khu công nghiệp lớn tại Bình Dương, đi qua trường đại học, khu dân cư sầm uất.
Tuy nhiên, tuyến đường có hạn chế là nhiều nút giao cắt. Đây cũng là vấn đề khiến TPHCM và các địa phương liên quan đến dự án Vành đai 4 lo ngại.
Phần lớn đoạn đường đã được thiết kế quy mô 10 làn xe, có dải phân cách cứng và được đầu tư hạ tầng hiện đại như hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng, cây xanh...
Công nhân vệ sinh thường xuyên cắt cỏ, chỉnh trang tuyến đường này.
Đoạn đường đi qua sông Thị Tính bị thu hẹp lại còn 4 làn xe, không có dải phân cách ở giữa.
Điểm đầu và điểm cuối của đoạn đường này vẫn chưa thông, hiện trạng là vùng đất trống, giao cắt với một tuyến đường liên huyện. Trong ảnh là điểm cuối của đường NE2.
Trong khi đó, phía Bình Dương cho biết dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục cuối cùng để khởi công.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Bình Dương, địa phương sẽ rà soát lại dự án đường Vành đai 4 TPHCM, sau đó có báo cáo đến UBND TPHCM và các tỉnh liên quan. Trên cơ sở này, các đơn vị liên quan sẽ trình Bộ Giao thông vận tải và Quốc hội vào cuối năm nay.
Dự án Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài hơn 200km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Dự án có quy mô 4 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, 23 nút giao và có đường song hành, đường dân sinh 2 bên theo nhu cầu giao thông từng địa phương.
Khái toán tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 TPHCM khoảng 137.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến vốn ngân sách Trung ương gần 50.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 37.000 tỷ đồng.
>> Năm 2025, hoàn thành 58km đường song hành Vành đai 4 qua 7 quận, huyện của Hà Nội