Toàn miền Trung có 350 xã, phường thuộc vùng nguy cơ sạt lở đất do ảnh hưởng của mưa bão
Các xã này thuộc 10 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum có thể xảy ra sạt lở đất do bão gây mưa lớn.
Trong 24 giờ qua, khu vực ven biển từ Thanh Hóa  đến Quảng Ngãi đã hứng chịu mưa lớn, với lượng mưa đáng kể như tại Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) hơn 480 mm, Trà My (Quảng Nam) gần 340 mm, Trà Nham (Quảng Ngãi) gần 300 mm, và A Bung (Quảng Trị) hơn 210 mm. Mưa lớn kéo dài đã khiến độ ẩm đất ở nhiều nơi gần đạt hoặc vượt mức bão hòa, làm tăng nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia , cho biết trong hôm nay và ngày mai, bão sẽ tiếp tục gây mưa lớn, với lượng mưa dự báo từ 100 đến 300 mm, có nơi có thể lên đến trên 500 mm ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Những trận mưa với cường độ lớn hơn 150 mm chỉ trong 6 giờ có thể xảy ra tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Ngoài ra, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh sẽ khiến vùng mưa mở rộng ra khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Ông Khiêm cảnh báo rằng với lượng mưa lớn như vậy, tất cả các vùng núi ở phía Tây Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên đều có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trong những ngày tới.
Trang web của cơ quan khí tượng tại địa chỉ https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn cảnh báo có khoảng 350 xã thuộc 10 tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất. Mức độ rủi ro thiên tai do sạt lở đất và lũ quét tại Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế được đánh giá ở cấp độ 2 trên thang 3 cấp, trong khi các tỉnh còn lại ở mức độ 1.
Cụ thể, nguy cơ sạt lở, lũ quét ở mức rất cao tại Hòa Vang, Liên Chiểu, Sơn Trà của TP Đà Nẵng; A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, TP Huế, Hương Thủy, Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Quảng Trị có Cam Lộ, Đa Krông, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Vĩnh Linh; Quảng Nam là Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước.
Các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình; Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang tỉnh Hà Tĩnh; Anh Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương của tỉnh Nghệ An; Bá Thước, Cẩm Thủy, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân của tỉnh Thanh Hóa có nguy cơ sạt lở đất.
Quảng Ngãi có các huyện Ba Tơ, Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tư Nghĩa, Đức Phổ; Kon Tum có Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông cũng đối diện nguy cơ sạt lở đất.
>> Sạt lở tại miền núi Quảng Nam, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân 
Bắc Giang công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở núi Y Sơn 
Sắp hình thành bão số 4: Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị cảnh báo lũ quét, sạt lở