Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: TPHCM cần mạnh dạn đột phá, tận dụng tối đa cơ hội phát triển
Chiều 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm, làm việc với Thành ủy TPHCM về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TPHCM…
(TyGiaMoi.com) - Năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước
Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, do tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nước ta nói chung, TPHCM nói riêng đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa từng có.
Thành phố vừa phải tập trung ứng phó với những thách thức mới đặt ra, vừa phải dồn sức giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài từ trước, cùng với những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, gây áp lực lớn cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Trong bối cảnh đó, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã bình tĩnh, chủ động và kịp thời triển khai, quán triệt và ban hành các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Khẩn trương cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra; trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển Thành phố, 51 chương trình, đề án cụ thể, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược của Trung ương.
Giai đoạn 2021 - 2022, Thành phố chịu cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19, ảnh hưởng rất lớn đến các mặt kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 giảm 4,01%, nhưng đã có sự phục hồi với mức tăng 9,26% trong năm 2022; bình quân giai đoạn 2021 - 2022 tăng 2,41%.
Buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Thành ủy TPHCM. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Bước sang năm 2023, tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, góp phần tăng trưởng GRDP cả năm 2023 đạt 5,81%. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đạt 6,46%, cả năm ước tăng 7,5%, đạt kế hoạch đề ra.
Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển đúng định hướng; trong đó, thương mại điện tử phát triển nhanh, các thị trường được mở rộng, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao hơn thời điểm trước dịch…
Về quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cả hệ thống chính trị Thành phố đã nghiêm túc nghiên cứu, học tập, quán triệt tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị 35.
Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ thành phố để triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ cơ sở và Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Qua quán triệt, đội ngũ cán bộ thành phố hiểu sâu, nắm vững, thống nhất nhận thức về các nội dung cơ bản và điểm mới của Chỉ thị 35, các văn bản của Trung ương, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động.
Tận dụng tối đa cơ hội phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết rất vui mừng vì chuyến thăm, làm việc với Thành ủy TPHCM đúng vào dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 79 năm Nam Bộ kháng chiến. Đặc biệt hơn nữa là đúng vào dịp 55 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta luôn khẳng định TPHCM là địa bàn chiến lược rất quan trọng, là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực có sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với TPHCM. Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết riêng về Thành phố; Quốc hội, Chính phủ cũng có nhiều cơ chế đặc thù, tạo điều kiện cho Thành phố phát triển.
Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TPHCM phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, chưa có tiền lệ. Đặc biệt là đại dịch COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản cho TPHCM và một số tỉnh, thành Nam Bộ. Cùng với đó, tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường vượt ngoài dự báo, nhất là cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt, quyết liệt, trực diện trên nhiều lĩnh vực…, đã tác động toàn diện đến kinh tế thế giới, trong đó có nước ta, nhất là với TPHCM, đầu tàu kinh tế cả nước.
Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng bộ Thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với Trung ương để có các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển. Trong đó nổi bật là Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chinh trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và trong tháng 9 tới đây, Bộ Chính trị sẽ tiếp tục cho chủ trương để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Nhìn nhận những kết quả cụ thể của TPHCM trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, thành tích nổi bật là Thành phố đã kiên cường vượt qua đại dịch COVID-19 và khẩn trương triển khai các kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch đạt nhiều kết quả tích cực. Quy mô kinh tế hiện đã tăng hơn hai lần so với thời điểm 10 năm trước.
Thành phố đã chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề xã hội sau đại dịch. Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho người dân và công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên; công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được triển khai tích cực.
Đối với những vấn đề hạn chế, tồn tại được chỉ ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, như: Tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm; kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu Thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, thực tiễn tại Thành phố cho thấy, nhiều hạn chế, tồn tại cũ chưa được giải quyết dứt điểm thì những khó khăn, thách thức mới tiếp tục phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của Thành phố, nhất là vấn đề kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, ngập úng, ô nhiễm môi trường; nhà ở, y tế, giáo dục chưa đáp ứng cho người dân…
Do đó, trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ quan trọng của đất nước là khẩn trương, quyết liệt hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra, chuẩn bị thất tốt cho Đại hội XIV để đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với TPHCM, trước mắt cần tập trung cao độ để phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đề ra, tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, gắn với tích cực triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gợi mở Thành phố cần phải nhận thức sâu sắc các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 được nêu trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Với quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-3030, tầm nhìn đến 2050, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết cơ bản thống nhất với định hướng của quy hoạch, đó là phát triển kinh tế xanh, xã hội văn minh, đô thị sáng tạo, hạ tầng thông minh và môi trường bền vững.
Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ưu tiên tháo gỡ những điểm nghẽn, mạnh dạn đột phá để tận dụng tối đa các cơ hội phát triển. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, vừa qua, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và Bộ Chính trị đã thống nhất cao từ nay đến cuối năm sẽ ưu tiên cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy kinh tế phát triển. Những vấn đề phải sửa luật, nghị định thì Chính phủ và Quốc hội sẽ triển khai nhanh nhất. Do đó, nếu TPHCM cần tháo gỡ những "điểm nghẽn" gì thì Trung ương sẽ tạo điều kiện tháo gỡ nhanh nhất. TPHCM cũng cần rà soát lại các dự án có khó khăn, vướng mắc tồn đọng nhiều năm được báo cáo các cơ quan giải quyết trong thời gian tới.
Cùng với đó, quan tâm xây dựng phát triển văn hóa, con người Thành phố ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo về kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội…
Đối với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh bài học về công tác cán bộ ở TPHCM thời gian vừa qua cho thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Đồng thời, phải tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ Thành phố; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tổ chức đảng ở cơ sở…
Nhắc lại mục tiêu đề ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng là đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM nghiên cứu để hoàn thành các mục tiêu này trước cả nước và đóng góp tích cực để cả nước hoàn thành mục tiêu đề ra.
>> TP. Hồ Chí Minh giữ vị trí No.1 về xuất khẩu, kim ngạch đạt 26 tỷ USD