Tổng Bí thư Tô Lâm: Không chậm trễ được nữa, để lỡ thời cơ là có lỗi với đất nước và nhân dân
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách, đã triển khai và cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ. "Không chậm trễ được nữa, để lỡ thời cơ cũng là có lỗi với đất nước và nhân dân...", Tổng Bí thư nêu.
Sáng 3/12, Tổng Bí thư Tô Lâm  cùng các đại biểu Quốc hội Đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội (quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) tiếp xúc cử tri, báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Như Ý. |
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cử tri nhấn mạnh, những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây rất hợp với lòng dân, cử tri mong muốn tiếp tục làm mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Cử tri rất tin tưởng vào sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện những chủ trương đường lối, sáng suốt của Đảng mà Tổng Bí thư Tô Lâm là người khởi xướng, dẫn dắt.
“Phát biểu của Tổng Bí thư về chống tham nhũng, chống lãng phí, về tinh gọn bộ máy, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh… đặc biệt là thông điệp về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế là sự cổ vũ to lớn đối với hàng triệu trái tim Việt Nam ở trong và ngoài nước”, cử tri Nguyễn Viết Chức bày tỏ.
Đã đủ sức, đã đến thời điểm và không thể chậm trễ hơn được nữa
Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ, rất xúc động khi lần đầu tiên được tiếp xúc cử tri Thủ đô Hà Nội, sau khi chuyển sinh hoạt từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên về Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
"Tôi rất xúc động trước tình cảm, những ý kiến nhận xét tốt đẹp của cử tri dành cho tôi. Xúc động bởi bà con nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình, cũng là nói lên ý nguyện của Đảng, Nhà nước, Quốc hội", Tổng Bí thư nói, và cho rằng, điều này "thấm đẫm ý Đảng, lòng Dân"; các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước có sự hưởng ứng, ủng hộ của cử tri, nhân dân.
"Cử tri theo dõi rất sát, rất trách nhiệm với đất nước, với tương lai, với sự phát triển của Thủ đô và đất nước", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, những trăn trở đó, Đảng, Nhà nước đã nhìn thấy, nêu ra, được bà con rất đồng tình; những câu hỏi, gửi gắm, mong đợi, tâm huyết của cử tri, theo Tổng Bí thư là "những lời động viên vô cùng quý mến". "Công việc rất nhiều, rất khó khăn. Khó khăn nhất là làm sao vượt qua được chính bản thân mình", Tổng Bí thư nêu.
Tổng Bí thư trao đổi với cử tri thành phố Hà Nội. Ảnh: Như Ý. |
Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ thực tiễn trong lịch sử, Đảng đề ra đường lối, chủ trương; Chính phủ, Quốc hội đề ra các chương trình, kế hoạch thực hiện và có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân, chắc chắn sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Theo Tổng Bí thư, thành tựu phát triển của đất nước giai đoạn vừa qua là "rất vĩ đại", nhưng nếu nhìn lại thấy "chưa vừa lòng". Nhiều việc có thể làm tốt hơn nữa. Nhìn sang các nước anh em, bạn bè, thấy họ phát triển, "đi nhanh quá".
"Mình cứ đi túc tắc, bình thản, vui sướng với những kết quả của mình, thì họ đi nhanh hơn chúng ta. Họ có tiềm lực, đi nhanh, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, bỏ xa chúng ta. Cuộc đua như thế mình luôn bị tụt hậu, đuổi theo không kịp", Tổng Bí thư nói và cho rằng, "hơn lúc nào hết, chúng ta phải vươn mình, tập trung chạy thật nhanh để đuổi kịp thế giới".
Tổng Bí thư nêu, năm 2024 đã ghi nhiều dấu ấn, đạt nhiều kết quả, tạo ra "luồng gió mới" trong hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo tiền đề cho năm 2025 và giai đoạn tiến vào thời kỳ mới của đất nước sau Đại hội XIV.
"Sức mạnh của chúng ta là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, đồng sức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đặt ra", Tổng Bí thư thông tin, đồng thời cho biết, Việt Nam, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại...; ngày càng có vị thế trên thế giới.
Theo Tổng Bí thư, bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên thịnh vượng của đất nước, như khẩu hiệu "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", chúng ta đã có hoà bình, độc lập rồi thì phải vươn lên giàu mạnh, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Tổng Bí thư nêu, Ban Chấp hành Trung ương đã vạch ra một số nhiệm vụ cấp bách, đã triển khai và cả hệ thống chính trị, toàn dân ủng hộ.
"Không chậm trễ được nữa, để lỡ thời cơ cũng là có lỗi với đất nước và nhân dân. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi là đủ sức chưa, thì đã đủ, đã đúng thời điểm chưa, thì đã đến và không thể chậm trễ hơn được nữa", Tổng Bí thư nêu.
Về một số giải pháp cụ thể, Tổng Bí thư nêu, đầu tiên cần tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng, mạnh dạn đổi mới, nhìn ra những tồn tại, thay đổi phương thức lãnh đạo phù hợp.
"Có người nói đây là đổi mới lần thứ 2, nhưng không phải. Sự nghiệp đổi mới phải tiếp tục được thực hiện. Đổi mới thể chế để phát triển chứ không phải nói quá lên là đổi mới chính trị. Mục tiêu chính trị xác định rất rõ trong cương lĩnh, điều lệ, không ai có quyền thay đổi. Phải giữ rất đúng nguyên tắc", Tổng Bí thư nêu.
Các cử tri nêu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Như Ý. |
Tổng Bí thư cho rằng "phải có sự sáng suốt, phải thấy được Đảng ta rất vĩ đại, là nhân tố của mọi thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng tình của Nhân dân. Lợi ích của Đảng gắn bó với Nhân dân".
Cần phải vượt qua chính mình
Về vấn đề tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư thông tin, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế. "Bây giờ muốn phát triển thì phải "nhẹ đi". Nhẹ thì mới bay được cao", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, liên quan tâm tư, tình cảm, quyền lợi, lợi ích, động chạm cuộc sống hằng ngày của cán bộ đảng viên. "Nhưng cần phải vượt qua chính mình, chúng ta thấy có lợi cho dân tộc, đất nước, Nhân dân, chúng ta phải tính. Mỗi người phải tính đóng góp, cống hiến phù hợp với đồng lương nhân dân trả cho mình.", Tổng Bí thư nói và cho rõ rằng phải phân định rõ, chấp nhận hy sinh trong vấn đề này.
Nêu lại cuộc gặp gỡ sinh viên Học viện Nông nghiệp mới đây, Tổng Bí thư cho rằng, cần thay đổi tư duy "xin việc". Mình đủ kiến thức, tri thức, có sức khoẻ, khát khao, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước... tạo ra công việc cho mình và cho người khác... thay vì cứ phải chờ "xin việc".
Tổng Bí thư khẳng định quan điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực "không ngừng không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Ảnh: Như Ý. |
"Làm thủ tục một cửa mà bắt xin rất nhiều cửa"
Tổng Bí thư cũng nêu việc tháo gỡ các điểm nghẽn thế chế phát triển. "Tại sao đất nước không tiến được, con tàu không đi được. Mục tiêu là tiến lên nhưng có hàng trăm dây buộc, lợi ích cá nhân, tiêu cực tham nhũng, vì nhiều cái không đồng tình, vì những cái lợi ích rất nhỏ nhen gây cản trở sự phát triển chung, cài cắm chỗ này chỗ kia, quy định này quy định kia", Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Theo Tổng Bí thư, đó là tư duy quản lý gây khó cho người khác, gây khó cho Nhân dân. Làm sao phải kiến tạo sự phát triển, huy động sức mạnh của toàn dân, cả hệ thống chính trị cùng kiến tạo. Như địa phương không làm được, hỏi ý kiến các bộ, ngành thì không trả lời, cứ lòng vòng, có lợi ích mới làm. Nhưng nếu suy nghĩ phục vụ nhân dân thì phải giải quyết đến cùng việc đó.
"Cứ bắt dân phải thế này thế kia, phải tự đi xác minh, trình bày, sao giấy này giấy kia để chứng minh. Nếu cơ quan nhà nước cần thì phải tự xác minh chứ. Không để người dân đi lên phường 5 lần 7 lượt, mỗi lần lại phát sinh một thủ tục này. Tư duy phải như thế để phục vụ phát triển", Tổng Bí thư nói.
Nêu một số ví dụ cụ thể về thủ tục hành chính còn nhiều tồn tại, hạn chế, Tổng Bí thư nhấn mạnh, mục tiêu phải nâng cao đời sống cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Chỗ nào còn kêu, thì phải rà soát lại quy trình thủ tục. "Đừng bắt người dân phải chạy vạy xin chỗ này chỗ kia, hệ thống phải làm việc, xin chỗ một cửa mà bắt đi rất nhiều cửa", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Vấn đề tăng cường chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo Tổng Bí thư, đây không phải vấn đề mới. Lãng phí trước đây cũng đã có trong ý "tiêu cực". Nhưng mà để nhấn mạnh, trọng tâm thì lần này đưa chống lãng phí vào. Lãng phí ai cũng thấy, mà tại sao không làm. Do vậy cần thống nhất làm để tháo gỡ nguồn lực.
Tổng Bí thư khẳng định quan điểm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực "không ngừng không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", để công chức, viên chức thực sự là công bộc của dân. Cần phát huy các kết quả đạt được, đẩy mạnh xử lý, giải quyết vấn đề lãng phí, nhưng "không hợp pháp hóa các sai phạm trước đó". Theo Tổng Bí thư, sai phạm đó sẽ "được đánh dấu" để xử lý.
Tổng Bí thư Tô Lâm với cử tri thành phố Hà Nội. Ảnh: Như Ý. |
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ trương, đường lối của Đảng đến được với chi bộ, đảng viên, người dân thì mới thành công. Ví dụ, quý I/2025 đại hội cấp chi bộ, nghị quyết của chi bộ phải có hiệu lực ngay. Hiện nay, yêu cầu nghị quyết phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, như "từ điển" để khi khó thì mở ra xem, như "ngọn đuốc soi đường"...
"Tôi rất mừng khi Nhân dân rất ủng hộ, rất trông đợi, hy vọng, sẵn sàng hưởng ứng. Ban Chấp hành Trung ương nhất định sẽ không phụ lòng mong mỏi, sự tin tưởng của Nhân dân, cử tri", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tổng số cán bộ bị xử lý từ đầu năm đến nay là 52 cán bộ, trong đó có 48 cán bộ bị kỷ luật do liên quan đến các vụ án, vụ việc do ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Và cũng là lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật cảnh cáo cán bộ chủ chốt của Đảng, của Nhà nước. "Không có gì dừng lại mà phải tiếp tục", Tổng Bí thư nói.
>> "Đảng tập hợp các chính khách tài giỏi làm chiến lược" 
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội 
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học