Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thu về hơn 15.700 tỷ đồng trong 5 tháng, vượt xa kế hoạch
PVEP đã khoan thành công giếng Bunga Aster-1, đưa vào khai thác sớm hơn kế hoạch 11 ngày với lưu lượng khoảng 3.000 thùng dầu/ngày.
CTCP Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã đạt tổng doanh thu 15.765 tỷ đồng sau 5 tháng đầu năm 2024, vượt 132% so với kế hoạch của PVN.
Trong tháng 5, PVEP đã tập trung triển khai các giải pháp quản lý và khai thác mỏ hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, thiết bị và con người trong quá trình vận hành. Các giếng tiềm năng đã được khai thác sớm, duy trì thời gian vận hành khai thác lên đến 98%.
PVEP đã khai thác 0,25 triệu tấn quy dầu trong tháng 5, nâng tổng sản lượng khai thác dầu khí lên 1,41 triệu tấn sau 5 tháng, đạt 136% kế hoạch của PVN. Sản lượng dầu và condensate trong tháng 5 là 0,16 triệu tấn, cộng dồn 5 tháng đạt 0,93 triệu tấn. Sản lượng khí bán trong tháng 5 đạt 86 triệu m3, đạt 100% kế hoạch tháng, nâng tổng sản lượng khí bán lên 484 triệu m3 sau 5 tháng.
Ảnh minh họa |
>> Internet Việt Nam sắp 'ngon lành' nhờ có thêm 10 tuyến cáp quang biển 
Một số mỏ như Đại Hùng và Chim Sáo - Dừa đã phải đóng mỏ theo kế hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác. Tuy nhiên, cụm mỏ Tê Giác Trắng, HST-HSD, Cá Tầm và một số mỏ khác đã vượt kế hoạch tháng, duy trì khai thác ổn định.
Đáng chú ý, PVEP đã khoan thành công giếng Bunga Aster-1, đưa vào khai thác sớm hơn kế hoạch 11 ngày với lưu lượng khoảng 3.000 thùng dầu/ngày. Sự kiện này giúp gia tăng trữ lượng và bổ sung sản lượng khai thác cho năm 2024, đồng thời rút ngắn thời gian thủ tục và tăng hiệu quả đề án trong bối cảnh giá dầu cao.
Đồng thời, các dự án trọng điểm như mỏ Đại Hùng Pha 3, Sư Tử Trắng Pha 2, Dự án Lô B, và mỏ Khánh Mỹ - Đầm Dơi đang được triển khai tích cực, đảm bảo tiến độ.
Trong tháng 5, PVEP đã nộp 1.102 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, trong đó phần thuế của PVEP là 821 tỷ đồng, lãi nước chủ nhà là 281 tỷ đồng. Tổng cộng 5 tháng, PVEP đã nộp 5.609 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Để duy trì hiệu quả sản xuất và hướng tới các mục tiêu phát triển, PVEP đang áp dụng các giải pháp và công nghệ đột phá, tiếp tục khoan thăm dò tại các khu vực có cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao trong địa chấn, và quản lý chế độ khai thác từng giếng thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
PVEP cũng đang xây dựng lộ trình giảm phát thải ròng, triển khai đề cương báo cáo hiện trạng và kế hoạch tiết giảm năng lượng, tích cực trồng rừng để giảm phát thải. Tổng cộng, công ty và các đơn vị dự án đã trồng 261.000 cây, tương đương khoảng 77ha.
Trong những tháng tiếp theo, PVEP sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, kế hoạch quản trị, nỗ lực đưa các dự án trọng điểm vào đúng tiến độ, tối ưu uptime các dự án, bổ sung can thiệp giếng, và áp dụng các giải pháp công nghệ mới để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản lượng khai thác.
>> Thủ tướng kỳ vọng 'mỗi bộ, ngành có một Viettel, mỗi tỉnh, thành có một Becamex'