Tổng Giám đốc LPBank: Chính sách cho vay tín dụng xanh và lợi ích khách hàng chưa rõ ràng
Tổng Giám đốc LPBank cho rằng, các quy định về tín dụng xanh hiện chưa rõ ràng, gây khó khăn cho việc mở rộng đối tượng khách hàng và phát triển lĩnh vực này.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ tổ chức chiều 21/9, ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã: LPB ) chia sẻ, LPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng tới thời điểm hiện tại đạt 43.998 tỷ đồng tương đương tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn ngân hàng là 15,97%.
Ông cho biết, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng ở mức thấp, chỉ 1,7%, nằm trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
“Mục tiêu của LPBank là đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 1,0% vào cuối năm nay”, ông Tiến chia sẻ tại Hội nghị.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, LPBank đã giảm lãi suất cho hơn 150.000 khách hàng, với mức giảm lên đến 3,5% so với đầu năm, tương đương tổng dư nợ được giảm lãi suất hơn 100.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngân hàng đã triển khai gói vay ưu đãi lãi suất cố định dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh ngắn hạn, với quy mô 9.000 tỷ đồng, mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm. Gần 900 khách hàng đã được hưởng lợi từ chương trình này.
Ông Hồ Nam Tiến - Tổng Giám đốc của LPBank phát biểu tại Hội nghị, nguồn: Internet |
Tại hội nghị, ông Tiến đưa ra những kiến nghị quan trọng về việc thúc đẩy tín dụng xanh – một lĩnh vực mà LPBank tiên phong trong hệ thống ngân hàng.
LPBank đã phân bổ gói tín dụng hơn 15.600 tỷ đồng để phát triển các dự án năng lượng xanh và nông nghiệp bền vững. Cụ thể, 9.600 tỷ đồng đã được dành cho các dự án năng lượng tái tạo và 6.000 tỷ đồng cho nông nghiệp xanh.
Tính đến cuối quý III/2023, tăng trưởng tín dụng xanh của LPBank đạt 2.863 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nông nghiệp sạch và công nghệ cao.
Tổng Giám đốc Hồ Nam Tiến chia sẻ rằng, biến đổi khí hậu đang gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Yagi. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục ưu tiên tín dụng xanh nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, “các quy định về chính sách cho vay tín dụng xanh và các lợi ích cho khách hàng trong lĩnh vực xanh còn chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc mở rộng và phát triển đối tượng khách hàng”.
Do đó, Việt Nam cần sớm có các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho họ tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu xanh, và hưởng các ưu đãi về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.
Đại diện LPBank kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ ban ngành ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể về Tín chỉ Carbon và các lợi ích cụ thể đối với khách hàng khi tham gia Tín dụng xanh.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua, LPBank đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất để giúp họ sớm khắc phục hậu quả sau bão, nhanh tróng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng cũng cho rằng cần cân nhắc việc tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời bổ sung thêm đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vào danh sách được hỗ trợ.
>> CEO của MSB đề xuất Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo 
LPBank (LPB) thay đổi thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường 2024 
LPBank (LPB) muốn mua 5% vốn cổ phần của FPT, giá trị ước tính gần 10.000 tỷ đồng