Tổng thống Nga Putin nói về mối đe dọa cuộc khủng hoảng mới và sự ổn định của BRICS
Lệnh trừng phạt và gánh nặng nợ nần ngày càng tăng ở các nước phát triển sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngày 23/10 tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan. Ông Putin lưu ý, rằng các quốc gia trong nhóm những nền kinh tế mới nổi lớn BRICS đã cho thấy sự ổn định nhờ các chính sách kinh tế có trách nhiệm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Sputnik) |
Về tăng trưởng kinh tế và sự bền vững của BRICS
Theo Tổng thống Putin: "Một mô hình đa cực đang hình thành, mở ra một làn sóng tăng trưởng mới, chủ yếu nhờ các quốc gia ở Nam và Đông bán cầu, và tất nhiên là cả các quốc gia BRICS".
Các quốc gia BRICS  đã thể hiện tính bền vững nhờ "các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tín dụng và tài chính có trách nhiệm".
Tất cả các thành viên BRICS đều có tác động tích cực đến sự ổn định toàn cầu, không phải bằng lời nói mà bằng hành động: "Chính sách này đặc biệt được ưa chuộng trong điều kiện hiện tại, khi những thay đổi cơ bản đang diễn ra trên thế giới"
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga). (Ảnh: Tass) |
Nga đề xuất phát triển một nền tảng đầu tư BRICS mới, sẽ trở thành "công cụ hỗ trợ mạnh mẽ" cho các nền kinh tế, đồng thời "cung cấp nguồn tài chính cho các quốc gia ở Nam và Đông bán cầu".
BRICS cũng sẽ khởi động cơ chế tham vấn với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tạo ra "luật chơi công bằng hơn trong nền kinh tế toàn cầu và cải cách hệ thống tài chính quốc tế".
Về mối đe dọa của một cuộc khủng hoảng mới
"Vẫn còn một nguy cơ khủng hoảng đáng kể. Không chỉ là về căng thẳng địa - chính trị, mà còn về thực tế là gánh nặng nợ nần ở các nước phát triển vẫn tiếp tục gia tăng, việc áp dụng các lệnh trừng phạt đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và cạnh tranh không lành mạnh đang mở rộng", ông Putin nói.
Về ý tưởng trao đổi ngũ cốc
Theo Tổng thống Nga, việc triển khai ý tưởng mở một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nhóm, bảo vệ thị trường các quốc gia khỏi sự can thiệp tiêu cực từ bên ngoài, nạn đầu cơ và các nỗ lực tạo ra tình trạng thiếu lương thực nhân tạo.
Lãnh đạo các nước thành viên BRICS chụp ảnh tập thể. Từ trái sang: Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. (Ảnh: Reuters) |
Về chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc
Ông Putin cho biết, việc thực hiện chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đã bị đình trệ. "Ngoài ra, các nước kém phát triển nhất cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ tình hình bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, và trên hết, là từ lạm phát lương thực và năng lượng".
Về chương trình nghị sự khí hậu
Theo Tổng thống Nga, các quốc gia BRICS nên phản đối việc sử dụng chương trình nghị sự về khí hậu để chống lại các đối thủ cạnh tranh: "Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy các cách tiếp cận cân bằng đối với các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu sang các mô hình phát triển phát thải thấp cùng nhau. Chúng ta cũng nên phản đối những nỗ lực sử dụng chương trình nghị sự về khí hậu để loại bỏ sự cạnh tranh khỏi thị trường".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Ảnh: Reuters) |
Về trí tuệ nhân tạo
Liên minh BRICS trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép điều chỉnh việc sử dụng các công nghệ này, bao gồm hạn chế sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách bất hợp pháp: "Cộng đồng doanh nghiệp Nga đã thông qua một bộ quy tắc đạo đức trong lĩnh vực này, mà các đối tác BRICS và các quốc gia khác có thể tham gia."
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 là sự kiện quan trọng của Nga với tư cách "chủ nhà". Hội nghị diễn ra từ ngày 22 đến 24/10.
>> 'Điểm tên' những nước Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS 
Thủ tướng dự lễ đón các nhà lãnh đạo tại Hội nghị BRICS mở rộng 
'Điểm tên' những nước Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS