Top 10 startup Việt gọi vốn thành công nhất năm 2021

23-12-2021 14:26|Minh Anh

Năm 2021 ghi nhận 10 startup Việt thuộc top gọi vốn thành công nhất với mức từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD.

MoMo – 300 triệu USD

Ví điện tử MoMo đã trở thành startup Việt gọi thành công nhiều vốn nhất tại Việt Nam trong năm qua bằng việc được nhận nhận tổng cộng 300 triệu USD vốn đầu tư.

Vừa qua vào ngày 20/12, ở vòng gọi vốn Series E công bố, MoMo có thêm 200 triệu USD vốn đầu tư trong vòng gọi vốn do Mizuho Bank dẫn dắt. Vòng gọi vốn này cũng có thêm sự tham gia của Ward Ferry Management cùng các cổ đông hiện hữu là Goodwater Capital LLC và Kora Management. Số vốn đầu tư mới đưa định giá của MoMo lên mốc 2 tỷ USD, đồng nghĩa với viẹc startup này được ghi nhận là "kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam.

Trước đó, theo Bloomberg, hồi tháng 1, MoMo cũng kêu gọi được 100 triệu USD vốn đầu tư.

Hiện tại, MoMo đang có 31 triệu người dùng đăng ký tại Việt Nam. MoMo chưa có kế hoạch thực hiện IPO trong một vài năm tới. Thay vào đó, MoMo tập trung vào củng cố vị thế trên thị trường và sản phẩm.

Tiki – 258 triệu USD

Tiki là một trong những startup hiếm hoi của Việt Nam hiện đang mạnh dạn công bố kế hoạch IPO của mình.

Đầu tháng 11, sàn Thương mại điện tử Tiki công bố vòng đầu tư 258 triệu USD do AIA dẫn dắt trong bối cảnh startup này đang đặt mục tiêu mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và niêm yết tại Mỹ. Các nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng gọi vốn này bao gồm UBS AG London Branch, Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund, Taiwan Mobile Co và STIC GIGF Ltd. Vòng gọi vốn mới đưa định giá của công ty tiệm cận mốc 1 tỷ USD.

Vào thời điểm công bố khoản đầu tư này, ông Trần Ngọc Thái Sơn, người sáng lập Tiki cho biết, ông muốn niêm yết trên sàn Mỹ sớm hơn so với mục tiêu ban đầu vào năm 2025.

VNLife (VNPay) – 250 triệu USD

Là một startup khác hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử, VNPay thuộc sở hữu của VNLife nhận được 250 triệu USD vốn đầu tư hồi tháng 7 trong vòng Series B do General Atlantic và Dragoneer Investment Group đồng dẫn dắt.

Trước đó, vào năm 2019, VNLife từng được cho là đã nhận được 300 triệu USD vốn đầu tư từ SoftBank Vision Fund và quỹ nhà nước Singapore GIC. Dù vậy, VNLife không chính thức công bố khoản đầu tư này khi đó.

Trong một bài phỏng vấn với Tech in Asia hồi năm ngoái, ông Niraan De Silva, Giám đốc điều hành VNLife chia sẻ, VNLife "đã vượt qua mốc định giá kỳ lân" sau khoản đầu tư vào năm 2019.

Sky Mavis – 159,5 triệu USD

Sự thành công của trò chơi NFT (token không thể thay thế) Axie Infinity đã đưa startup mới chỉ 3 năm tuổi thăng hoa lên một tầm cao mới Sky Mavis trong năm 2021. Với khoản đầu tư 152,5 triệu USD vong vòng gọi vốn do Andreessen Horowitz dẫn dắt, Sky Mavis chính thức trở thành "kỳ lân" với định giá lên tới 3 tỷ USD.

Axie Infinity đang trên đà để cán mốc giá trị giao dịch trong game lên tới 1 tỷ USD trong năm 2021. Trong số này, Sky Mavis giữ lại khoảng 17% giá trị, theo The Information. Trước đó, hồi tháng 5 năm nay, Sky Mavis cũng gọi vốn thành công 7,5 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A.

Axie Infinity là một trò chơi trong đó người chơi sẽ nuôi quái vật (gọi là Axie) và bắt đầu chiến đấu theo đội nhóm gồm 3 quái vật. Các Axie trong trò chơi chính là NFT (token không thể thay thế). NFT là token độc nhất được mã hoá để chứng tỏ quyền sở hữu với các nội dung số như hình ảnh, video, hay trong trường hợp của Axie Infinity là các nhân vật trong game. Trong Axie Infinity, người chơi có thể kiếm tiền bằng cách bán SLP (đơn vị tiền trong game) hoặc bán Axie.

KiotViet – 45 triệu USD

Tháng 9/2021, KiotViet, startup cung cấp các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, công bố khoản đầu tư 45 triệu USD trong vòng Series B với sự tham gia của KKR và Jungle Ventures. Thời điểm đó, KiotViet chia sẻ các công cụ của startup này đã được cung cấp tới 110.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Trước đó, vào năm 2019, KiotViet cũng có vòng gọi vốn Series A với giá trị 6 triệu USD với sự tham gia của Jungle Ventures và công ty lữ hành trực tuyến Traveloka.

Homebase – 30 triệu USD

Hồi tháng 11, Homebase có thêm 30 triệu USD vốn đầu tư trong vòng đầu tư có sự tham gia của Y Combinator.

Được thành lập từ năm 2019, startup Việt Nam này mang đến lựa chọn thay thế các khoản vay nhà đất truyền thống với lãi suất cao. Theo đó, nó cho phép người mua nhà thanh toán khoản tiền tối thiểu 20% giá trị nhà và sau đó đồng đầu tư với các khách hàng khác để sở hữu bất động sản.

Sau đó, người mua nhà sẽ thanh toán cho Homebase các khoản phí cố định hàng tháng cho đến khi có thể mua hoàn toàn bất động sản. Những người muốn sử dụng dịch vụ này cũng phải trả trước 1% phí quản lý, tuy nhiên Homebase không thu lãi.

Telio – 22,5 triệu USD

Tháng 11 năm nay, VNG công bố đầu tư 22,5 triệu USD vào Telio, startup kết nối các nhà bán lẻ với thương hiệu và các nhà bán buôn. Số tiền đầu tư này nằm trong vòng gọi vốn Pre-Series B của Telio.

Với khoản đầu tư chiến lược này, VNG sẽ giúp Telio cải thiện được hiện diện và dịch vụ thông qua ứng dụng nhắn tin Zalo. Từ đó, các nhà bán hàng trên Telio có thể số hoá hoạt động quản trị đơn hàng của mình. Trong khi đó, VNG và Telio cũng sẽ cung cấp thêm các sản phẩm hỗ trợ tài chính cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để phục vụ quá trình mở rộng.

Tháng 12/2019, Telio nhận được 25 triệu USD đầu tư ở vòng Series A do Tiger Global dẫn dắt.

Loship – 12 triệu USD

Loship, một startup giao hàng tại Việt Nam, gọi vốn thành công 12 triệu USD hồi tháng 8 năm nay trong vòng gọi vốn do BAce Capital dẫn dắt. Đây không phải lần gọi vốn thành công duy nhất của Loship trong năm nay. Hồi tháng 2, Loship cũng nhận vốn thành công ở vòng bridge từ Metaplanet Holdings, tuy nhiên chi tiết tài chính của thương vụ không được công bố.

Chia sẻ trên Nikkei, Loship cho biết hy vọng sẽ "chào sàn" chứng khoản New York vào năm 2024 sau khi đạt đến điểm lợi nhuận trong vòng từ 18 đến 24 tháng tới. Ở thời điểm hiện tại, Loship đang có khoảng 2 triệu khách hàng tại thị trường Việt Nam, vốn tăng trưởng nhanh nhưng cũng có mức độ cạnh tranh rất cao.

BuyMed – 9 triệu USD

BuyMed, đơn vị vận hành Thuocsi.vn, sàn phân phối thuốc trực tuyến lớn nhất Việt Nam, nhận 9 triệu USD vốn đầu tư trong vòng Series A hồi tháng 9.

Ra mắt vào năm 2017, ThuocSi vận hành theo mô hình B2B để kết nối các nhà thuốc, phòng khám với các nhà phân phối dược phẩm được cấp phép. ThuocSi cung cấp hệ thống tự động ghép cặp các đơn hàng và cung cấp dịch vụ logistics trọn vẹn để đơn giản hoá quá trình cung ứng dược phẩm tại Việt Nam.

Sipher – 6,8 triệu USD

Bên cạnh Sky Mavis, một startup game blockchain khác cũng lọt top startup kêu gọi thành công nhiều vốn đầu tư nhất trong năm 2021 tại Việt Nam là Sipher với 6,8 triệu USD ghi nhận ở vòng seed.

Sipher sẽ sử dụng số vốn này để phát triển trò chơi World of Sipheria đồng thời pháy triển các công cụ cần thiết để tại ra "các trải nghiệm game tương tác, thú vị và vui nhộn" dựa trên công nghệ blockchain.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/top-10-startup-viet-goi-von-thanh-cong-nhat-nam-2021-120912.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Top 10 startup Việt gọi vốn thành công nhất năm 2021
    POWERED BY ONECMS & INTECH