Kiến thức

Top 6 loại rau vừa nấu canh hằng ngày vừa làm thuốc chữa bệnh

An Yên 08/11/2024 - 05:55

Các loại rau nấu canh quen thuộc như rau muống, ngót, cải cúc… là dược liệu cho nhiều bài thuốc Đông y.

Cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Giáo sư Đỗ Tất Lợi cung cấp thông tin về hàng trăm cây thuốc. Trong đó có một số loại cũng là rau nấu canh quen thuộc của người dân.

Rau ngót còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần thuộc họ thầu dầu. Cây mọc hoang và được trồng khắp Việt Nam để lấy lá nấu canh. Nếu làm thuốc nên chọn những cây đã trồng từ 2 năm trở lên.

Trong 100g rau ngót có 169mg canxi, 2,7mg sắt, 123mg magie, 2,4g mangan, 65mg phốt pho, 25mg natri 25mg… và một số axit amin thiết yếu cho cơ thể.

Theo Đông y, rau ngót tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ, chữa sót nhau, tưa lưỡi.

rau muong.jpg
Rau muống được chế biến thành nhiều món ăn hằng ngày. Ảnh: Ban Mai

Rau muống còn gọi là bìm bìm nước thuộc họ bim bìm. Cây mọc bò, ở nước hay trên cạn, thân rỗng, được trồng phổ biến ở khắp nước ta dùng làm rau ăn hằng ngày.

Trong rau muống có 92% là nước, hàm lượng muối khoáng rất cao và có nhiều loại vitamin C, B1, PP, B2.

Ngoài công dụng làm rau ăn sống, luộc, xào, rau muống còn được cho là làm mất tác dụng của những thuốc đã uống, dùng để giải chất độc. Một số người dùng ghi nhận tác dụng nhuận tràng của loại rau này.

Theo nghiên cứu ở Philippines, trong ngọn rau muống có chất giống như insulin - cần cho người mắc bệnh tiểu đường. Rau muống giã nát được dùng trong bài thuốc trị zona, sốt, khó thở.

Rau đay còn gọi là rau nhớt được trồng ở nhiều nơi để lấy lá non nấu canh ăn cho mát và nhuận tràng. Đây còn là cây công nghiệp cho sợi dệt. Trong lá có chất nhầy, tác dụng lợi sữa, chữa ho, táo bón và làm thuốc bổ.

Nghiên cứu ở Ấn Độ ghi nhận chất dầu trong hạt rau đay giống như dầu hạt hướng dương. Chiết xuất từ hạt rau đay được đánh giá có thể chữa bệnh tim.

Mồng tơi còn gọi là lạc quỳ, thuộc họ mồng tơi. Đây là cây dây leo, mọc cuốn có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, cây này mọc hoang hoặc được trồng ở hàng rào để lấy rau ăn. Người dân hái thân và lá mồng tơi vào mùa hạ và thu.

Trong mồng tơi có vitamin A, B3, chất nhầy, sắt. Sách cổ ghi nhận rau có tính hàn, lợi tiểu, chữa táo bón cho trẻ nhỏ, phụ nữ đẻ khó. Tại Trung Quốc có nơi dùng rau mồng tơi để giải độc.

Rau dền có nhiều loại với màu sắc khác nhau như dền cơm, dền gai, dền đỏ, thuộc họ na. Cây mọc phổ biến ở nhiều tỉnh có thể dùng lá nấu canh, lá và vỏ làm thuốc. Người dân dùng vỏ cây sắc uống chữa kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lá cây sắc uống chữa đau nhức tê thấp, vỏ cây tán bột hoặc ngâm rượu chữa sốt rét, làm thuốc bổ.

Cải cúc còn gọi là rau cúc, tần ô, đồng hao, thuộc họ cúc. Cây được trồng khắp nơi chủ yếu làm rau ăn, số ít làm thuốc (dùng tươi hoặc phơi khô trong mát). Người ta cho rằng cây có nguồn gốc châu Âu và phía bắc châu Á.

Trong cải cúc có tinh dầu thơm, nhiều vitamin B, lượng trung bình vitamin C, có thể dùng trong bài thuốc trị ho lâu ngày, đau mắt, nhức đầu kinh niên, thổ huyết.

>> Top 5 loại rau mọc đâu cũng tốt được lương y dùng làm thuốc

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận

Top 5 loại cỏ mọc ven đường là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/top-6-loai-rau-vua-nau-canh-ngot-mat-vua-lam-thuoc-chua-benh-2339334.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Top 6 loại rau vừa nấu canh hằng ngày vừa làm thuốc chữa bệnh
    POWERED BY ONECMS & INTECH