Xã hội

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận

Thái Hà 04/11/2024 09:15

Các loại rau này được Bộ Y tế công nhận là cây thuốc và được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Bộ Y tế đã công bố danh sách 70 cây thuốc được sử dụng trong cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong đó nhiều loại được dùng làm rau ăn hàng ngày như bạc hà, tía tô, kinh giới, đinh lăng và húng chanh. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe đáng chú ý của 5 loại rau này:

Bạc hà

Bạc hà chứa nhiều chất chống oxy hóa và dưỡng chất, bao gồm vitamin A, C, phức hợp B, phốt pho và canxi. Đặc biệt, lá bạc hà có đặc tính kháng khuẩn mạnh mẽ. Nghiên cứu cho thấy dầu bạc hà có thể chống lại tới 22 chủng vi khuẩn và 11 chủng nấm.

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận - ảnh 1
Khoa học đã chứng minh bạc hà có rất nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể. Ảnh: Internet

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Đức Quang – nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội cho biết có nhiều bài thuốc trị bệnh có bạc hà và thực đơn hỗ trợ trị bệnh có bạc hà. Một số công dụng tiêu biểu của bạc hà như điều trị chứng khó tiêu, giảm hội chứng ruột kích thích, cải thiện hô hấp, răng miệng, bổ não, tăng cường miễn dịch, giảm căng thẳng, giảm đau, chăm sóc da…

Tuy lá bạc hà nhìn chung an toàn khi sử dụng nhưng những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế tiêu thụ vì nó có thể gây kích ứng dạ dày. Dầu bạc hà chống chỉ định cho trẻ em sử dụng tại chỗ vì nó có thể gây khó thở. Không nên lạm dụng dù đó là thảo dược.

Kinh giới

Kinh giới là cây rau gia vị rất phổ biến ở Việt Nam. Rau kinh giới là món ăn kèm không thể thiếu với nhiều người khi ăn các món bún riêu, bún ốc, bún đậu mắm tôm, thịt luộc hay phở cuốn… Bên cạnh đó, kinh giới cũng là cây thuốc được trồng phổ biến ở khắp nơi bởi sự hữu ích của nó trong điều trị bệnh.

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận - ảnh 2
Kinh giới là cây rau gia vị rất phổ biến ở Việt Nam, có nhiều tác dụng chữa bệnh. Ảnh: Internet

Báo điện tử VTV News dẫn thông tin trong cuốn sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học kỹ thuật) cho biết, rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền có kinh giới, từ những bài thuốc trị của các loại bệnh thường gặp như cảm lạnh, nhức đầu, mất tiếng, chảy máu cam tới cả những loại bệnh hiếm gặp hơn như chàm, trực tràng lở loét, đại tiện ra máu, ban chẩn.

Còn theo Thư viện Dược Quốc gia Mỹ, kinh giới có hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, diệt côn trùng, kháng virus, hạ lipid máu, hạ đường huyết, giảm đau, chống loạn nhịp tim, chống khối u và điều hòa miễn dịch.

Tuy nhiên, những người ra mồ hôi nhiều hoặc có biểu hiện dương hư không nên dùng loại rau này.

Tía tô

Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens hay còn gọi lá é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Các bộ phận của cây tía tô: cành tía tô (tô ngạnh), lá tía tô (tô diệp), hạt tía tô (tô tử). Tại Việt Nam, lá tía tô dùng để nấu chín hoặc ăn sống, là gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn như canh chuối đậu, bún ốc, cháo…

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận - ảnh 3
Theo y học cổ truyền, tía tô chứa tinh dầu, tác dụng phát hãn, trừ ôn dịch, lý khí tiêu đờm, dùng chữa cảm cúm, đau đầu, sổ mũi, viêm họng, chống dị ứng, trị nôn, đau trướng bụng, bí đại tiện. Thành phần hóa học chính của lá tía tô là tinh dầu, trong đó có perila aldehyde, limonene, trong hạt có dầu. Ảnh: Internet

Bài viết của Bác sĩ Vũ Quốc Trung trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, theo nghiên cứu y học hiện đại, nước sắc của cành và lá tía tô có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn ruột kết, trực khuẩn lỵ, tụ cầu khuẩn; một số nấm gây bệnh ngoài da; tăng cường nhu động dạ dày, ruột.

Nước sắc của cành và lá tía tô còn làm giảm sự phân tiết dịch nhầy trong phế quản, hoãn giải sự co thắt phế quản, do đó có tác dụng giảm ho, trừ đờm và cắt cơn hen suyễn; giải nhiệt, trấn tĩnh và làm tăng đường huyết; chống đông máu, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, giảm độ đặc và độ dính của máu.

Đinh lăng

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận - ảnh 4
Đinh lăng được coi như “nhân sâm của người nghèo” do có nhiều tác dụng cho sức khỏe. Ảnh: Internet

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm thuộc họ nhân sâm. Loại cây này được coi như “nhân sâm của người nghèo”, không chỉ được sử dụng làm rau sống mà còn là vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa được nhiều chứng bệnh…

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, BS CK2. Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, đinh lăng được dùng để chữa nhiều bệnh. Chẳng hạn như giảm mệt mỏi; chữa sưng đau cơ khớp, vết thương; phòng co giật ở trẻ; chữa đau lưng mỏi gối; chữa viêm gan, thiếu máu…

Húng chanh

Húng chanh tên gọi khác là rau thơm lùn, rau tần, tần dày lá. Tên khoa học là Coleus aromaticus Benth. Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labitatae).

5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận - ảnh 5
Loại rau sống quen thuộc này có thể chữa cảm cúm, sốt nóng về chiều, chữa ho, viêm họng, khản tiếng, chảy máu cam, táo bón. Ảnh: Internet

Theo MDPI, lá húng chanh có khả năng sản xuất ra một loại tinh dầu có hàm lượng cao carvacrol, thymol, β-caryophyllene mang nhiều đặc tính dược lý như chống khối u, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm, chống động kinh, chữa lành vết thương, diệt ấu trùng và giảm đau.

Loại rau được gọi là ‘nhân sâm của người nghèo’, dễ trồng, dễ lớn, chứa rất nhiều dinh dưỡng

Loại rau được mệnh danh là ‘vua của các loại thảo mộc’ vì cực tốt, giúp trị giun sán, giảm nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/5-loai-rau-pho-bien-tren-mam-com-nguoi-viet-nam-la-cay-thuoc-duoc-bo-y-te-cong-nhan-129546.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    5 loại rau phổ biến trên mâm cơm người Việt Nam là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận
    POWERED BY ONECMS & INTECH