TP. Bắc Giang sáp nhập thêm một huyện 176.000 dân để trở thành đô thị trung tâm vùng Thủ đô
Theo quy hoạch chung, TP này sẽ trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội sau khi sáp nhập một huyện.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành 1/1/2025.
Thành phố Bắc Giang có địa thế rất đẹp khi nằm bên dòng sông Thương uốn lượn hiền hòa tạo cảnh quan sắc nét. Theo quy hoạch chung tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, TP. Bắc Giang sẽ trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội. "Siêu đô thị" này bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu.
Thành phố Bắc Giang qua hình ảnh vệ tinh |
Huyện Yên Dũng với diện tích tự nhiên lớn (191,74km2), có nhiều tiềm năng phát triển cả về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ-thương mại, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao...
Do vậy, thành phố Bắc Giang sẽ được mở rộng bằng việc lấy toàn bộ diện tích tự nhiên là 191,74km2, quy mô dân số là 176.980 người của huyện Yên Dũng. Sau khi nhập, thành phố Bắc Giang sẽ có diện tích tự nhiên là 258,29km2 và quy mô dân số là 371.151 người.
Trước khi sáp nhập, số lượng cán bộ, công chức, viên chức khối Đảng, UBND, MTTQ, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp của TP. Bắc Giang là 227 người, của huyện Yên Dũng là 192 người. Sau sáp nhập, TP. Bắc Giang sẽ có 419 người. Riêng về lãnh đạo cấp phòng thuộc UBND có 72 cán bộ lãnh đạo (gồm 23 trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng UBND và HĐND và 49 cấp phó).
Sau khi sáp nhập, TAND và VKSND huyện Yên Dũng cũng sẽ giải thể. TAND, VKSND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của TAND, VKSND huyện Yên Dũng theo quy định của pháp luật.
Thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng chuẩn bị được sáp nhập trở thành một phường của thành phố Bắc Giang. Ảnh: Tuấn Thành |
Các phường xã trong thành phố cũng được sắp xếp lại, cụ thể như sau:
Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Trần Nguyên Hãn vào phường Ngô Quyền. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Lê Lợi vào phường Trần Phú. Thành lập phường Tân An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lão Hộ và thị trấn Tân An.
12 phường khác được thành lập trên cơ sở diện tích tự nhiên và quy mô dân số từ các xã và giữ nguyên tên gọi: Dĩnh Trì, Tân Tiến, Tân Mỹ, Song Mai, Đồng Sơn, Song Khê, Nham Biền, Tân Liễu, Nội Hoàng, Tiền Phong, Cảnh Thụy, Hương Gián.
Năm 2024 đô thị Bắc Giang trở thành đô thị loại II, trước năm 2030 sẽ đạt tiêu chí đô thị loại I. Đây là mục tiêu trong Chương trình phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư sẽ là hơn 149.000 tỷ đồng.
Trong nghị quyết Chương trình phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2045, các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng để nâng cao tiêu chuẩn quy mô dân số, mật độ dân số đô thị.
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2045 là hơn 149.216 tỷ đồng. Trong đó Ngân sách Trung ương là 5.866 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 16.070 tỷ đồng, ngân sách thành phố là 17.294 tỷ đồng và từ nguồn vốn khác khoảng 110 tỷ đồng.
Thủ phủ công nghiệp miền Bắc Việt Nam muốn có 2 khu kinh tế đêm 
‘Thủ phủ’ công nghiệp miền Bắc Việt Nam sẽ có thêm một thị xã vào năm 2028