Thủ phủ công nghiệp miền Bắc mở rộng diện tích của thành phố trực thuộc và hình thành một thị xã mới
Địa phương này đã được thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc sắp xếp đơn vị hành chính  cấp huyện và cấp xã tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2025.
Theo nghị quyết này, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Yên Dũng sẽ được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Bắc Giang , phường Trần Nguyên Hãn sẽ được nhập vào phường Ngô Quyền, và phường Lê Lợi sẽ nhập vào phường Trần Phú. Ngoài ra, phường Tân An sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ xã Lão Hộ và thị trấn Tân An.
Ngoài ra, 12 phường khác sẽ được thành lập dựa trên diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các xã, giữ nguyên tên gọi hiện tại: Dĩnh Trì, Tân Tiến, Tân Mỹ, Song Mai, Đồng Sơn, Song Khê, Nham Biền, Tân Liễu, Nội Hoàng, Tiền Phong, Cảnh Thụy, và Hương Gián.
Sau khi sắp xếp, thành phố Bắc Giang sẽ có 31 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 21 phường.
Nghị quyết cũng đề cập đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện Lục Ngạn, Sơn Động và thành lập thị xã Chũ thuộc tỉnh Bắc Giang. Cụ thể, một phần diện tích tự nhiên (75,93 km²) của huyện Sơn Động sẽ được điều chỉnh để sáp nhập vào huyện Lục Ngạn, cùng với diện tích 11,98 km² và 520 người dân từ xã Thanh Hải sáp nhập vào xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn.
Thị xã Chũ sẽ được thành lập dựa trên 10 đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Lục Ngạn, gồm thị trấn Chũ và các xã Hồng Giang, Kiên Lao, Kiên Thành, Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Thanh Hải, và Trù Hựu. Năm phường thuộc thị xã Chũ sẽ bao gồm: Chũ, Trù Hựu, Hồng Giang, Phượng Sơn, và Thanh Hải.
Hai thị trấn Phì Điền và Biển Động cũng sẽ được thành lập thuộc huyện Lục Ngạn. Sau sắp xếp, huyện Lục Ngạn sẽ có 19 đơn vị hành chính cấp xã, còn huyện Sơn Động sẽ có 17 đơn vị hành chính cấp xã (15 xã và 2 thị trấn). Thị xã Chũ sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 5 phường và 5 xã.
Đối với huyện Hiệp Hòa, nghị quyết nêu rõ việc thành lập xã Sơn Thịnh dựa trên cơ sở sáp nhập các xã Quang Minh, Hòa Sơn và Đại Thành; xã Hùng Thái trên cơ sở nhập các xã Hùng Sơn và Thái Sơn; xã Toàn Thắng trên cơ sở sáp nhập hai xã Hoàng Lương và Hoàng Thanh. Ngoài ra, xã Hoàng An sẽ được nhập vào xã Hoàng Vân, và xã Đồng Tiến sẽ được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập các xã Đồng Tân và Thanh Vân.
Sau khi sắp xếp, huyện Hiệp Hòa sẽ có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã và 2 thị trấn. Các huyện khác như Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên và Yên Thế cũng được sắp xếp lại, đảm bảo số lượng đơn vị hành chính cấp xã phù hợp.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng giải thể Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng, đồng thời thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Chũ. Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang sẽ kế thừa các nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, sau khi thực hiện, tỉnh Bắc Giang sẽ có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 7 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố, cùng với 192 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 143 xã, 35 phường và 14 thị trấn.
Bắc Giang được mệnh danh là "thủ phủ" công nghiệp miền Bắc nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây. Tính đến tháng 3/2024, tỉnh Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập 9 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 2.252ha và tỷ lệ lấp đầy đạt trên 68%.
Ngôi làng cổ có 17 căn nhà đất độc đáo, nép mình dưới chân núi ở Bắc Giang 
Cầu dây văng 1.500 tỷ nối Bắc Giang - Hải Dương sắp thông xe kỹ thuật