TP. HCM: Doanh nghiệp kiệt sức vẫn phải "còng lưng" gánh thêm phí cảng biển

03-03-2022 11:57|Lưu Linh

Dự kiến, từ ngày 1/4/2022 tới đây, TP. HCM sẽ chính thức thu phí cảng biển. Điều này khiến các doanh nghiệp đứng ngồi không yên do lo lắng phải gồng gánh thêm một khoản chi phí quá lớn trong khi hoạt động kinh doanh liên tục gặp khó.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ tháng 6 – 9/2021, đa số các doanh nghiệp khu vực TP. HCM đều phải ngưng hoạt động, song vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như: Lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho...

Khi thành phố mở cửa trở lại vào tháng 10, các doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động cầm chừng với công suất 30 – 70% do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

Sự phục hồi chỉ mới bắt đầu từ đầu năm 2022, tuy nhiên lại phải gánh thêm nhiều chi phí như: Cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng... Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, khó khăn càng tăng cao.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phân tích, hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước tập trung tại các cảng biển của TP. HCM. Trong khi đó, chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Nếu thu phí cảng biển, chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.

Còn ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho hay, hiện cước tàu ở cảng biển đã tăng gấp 4 - 5 lần làm cho doanh nghiệp kiệt sức, nay chuẩn bị bồi thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. Như Phúc Sinh trung bình một tháng xuất khoảng 400 container, tổng các loại phí phải trả trước đây khoảng 4 tỷ đồng/tháng nhưng nay đã lên tới hơn 15 tỷ đồng/tháng. Nếu tính cả phí sử dụng hạ tầng cảng biển phát sinh từ tháng 4 tới, doanh nghiệp có thể phải đói diện với khả năng đóng cửa.

Đồng quan điểm, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More nói rằng, việc nguyên nhiên liệu tăng giá, xung đột Nga - Ukraine làm tỷ giá ngoại tệ biến động… khiến doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi doanh nghiệp không thể tăng giá bán, nhưng lại phải gánh thêm chi phí cảng biển là điều TP. HCM cần cân nhắc kỹ lưỡng trong thời điểm này.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tính tới việc vận chuyển container hàng tới cảng Cái Mép thay vì cảng TP. HCM, nhưng chi phí vẫn sẽ tăng thêm từ 3 - 3,5 triệu đồng/container.

Đại diện Công ty CP gỗ Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP. Biên Hòa) cho rằng, công ty đang trên đà phục hồi sản xuất và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì thiếu lao động, giá nguyên liệu tăng, chi phí logistics tăng cao. Trong thời điểm này, doanh nghiệp phải tính toán lại chi tiết từng đơn hàng, từng khâu sản xuất để giảm giá thành, tránh bị thua lỗ. Hiện hàng hóa vận chuyển về cảng Cát Lái chi phí hơn 4 triệu đồng/container, nếu thêm phí cảng biển 1 triệu đồng/container với doanh nghiệp sẽ là gánh nặng lớn.

Các hiệp hội kinh doanh cho rằng, điều này buộc các doanh nghiệp ngoài TP. HCM phải phải chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP. HCM, từ đó sẽ gây quá tải, có thể dẫn tới ách tắc việc khai báo, chậm tiến độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đặc biệt, việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, mức thu lại không đồng nhất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài TP. HCM trong thời gian tới là không hợp lý và không công bằng, sẽ tạo nên tình trạng phí chồng phí.

Ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. HCM khẳng định, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển là thu theo luật, số tiền thu được để bù đắp một phần cho tổng phần đầu tư công cho các khoản chung của thành phố. Vì vậy, đề án thu phí cảng biển sẽ chính thức triển khai vào ngày 1/4 tới đây, trước mắt triển khai thí điểm tại 26 cảng biển ở TP. HCM với mức thu thấp nhất 15.000 đồng/tấn và cao nhất 4,4 triệu đồng.

TP. HCM sẽ thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển. Uớc tính mỗi năm nguồn thu phí cảng biển khoảng 3.000 tỷ đồng.

TP. HCM triển khai thu phí cảng biển, đã mang về 4.700 tỷ đồng

TP. HCM thu gần 3.000 tỷ đồng phí hạ tầng cảng biển

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tp-hcm-doanh-nghiep-kiet-suc-van-phai-cong-lung-ganh-them-phi-cang-bien-122879.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TP. HCM: Doanh nghiệp kiệt sức vẫn phải "còng lưng" gánh thêm phí cảng biển
    POWERED BY ONECMS & INTECH