TP Hồ Chí Minh sẽ phủ sóng trạm sạc xe điện tại các bến xe công cộng
Từ năm 2025 đến 2030, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chuyển đổi 2.771 xe buýt sang xe điện.
Trong nỗ lực hướng tới giao thông xanh và bền vững, TP. HCM đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện công cộng tại các bến xe lớn trên toàn thành phố. Theo đề án chuyển đổi xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, từ năm 2025 đến 2030, thành phố dự kiến sẽ chuyển đổi 2.771 xe buýt sang xe điện, trong đó có 1.108 xe sẽ được đầu tư cho các tuyến mới.
Để đáp ứng nhu cầu sạc cho số lượng xe buýt điện này, TP.HCM đã đề xuất triển khai xây dựng 25 trạm sạc công cộng. Trong đó, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP sẽ đầu tư 17 trạm với tổng số vốn 1.220,7 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Đồng thời, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) sẽ triển khai thêm 8 trạm với mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.
TP Hồ Chí Minh sẽ phủ sóng trạm sạc xe điện tại các bến xe công cộng. Ảnh minh họa |
Các trạm sạc do Samco đảm nhận sẽ được lắp đặt tại những địa điểm quan trọng như bến xe Miền Đông, bến xe Miền Đông mới, bến xe Miền Tây, và bến xe An Sương. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tất cả các trạm sạc sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn chung, đảm bảo khả năng tương thích với mọi dòng xe điện.
Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, TP.HCM đề xuất hỗ trợ tài chính cho các dự án bổ sung trạm sạc. Cụ thể, các nhà đầu tư sẽ được vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án với lãi suất ưu đãi. Lãi suất vay chỉ bằng 50% mức lãi suất công bố của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM, trong khi phần lãi suất còn lại sẽ được hỗ trợ 50% từ ngân sách thành phố.
Việc xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện không chỉ là một phần của kế hoạch chuyển đổi giao thông xanh mà còn được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Theo Sở Giao thông Vận tải, các sở ngành liên quan sẽ tiếp tục rà soát, xác định các vị trí phù hợp để lắp đặt thêm trạm sạc tại các bến bãi, khu vực đất đường bộ và các đầu mối giao thông lớn, nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia.
"Đầu tư vào hệ thống trạm sạc sẽ là bước đệm quan trọng cho cuộc cách mạng giao thông xanh của TP.HCM, giúp thành phố tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển giao thông bền vững", đại diện Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ.