TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam sắp được mở rộng gấp 9 lần sẽ có 1 đặc khu sau sắp xếp
TP trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất Việt Nam dự kiến được mở rộng gấp 9 lần sau sáp nhập sẽ có 1 đặc khu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Sáng nay ngày 23/4, Ban chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng đã thống nhất điều chỉnh số lượng cấp xã, còn 16 đơn vị gồm: 12 phường và 3 xã và đặc khu Hoàng Sa.
Theo như điều chỉnh, một phần diện tích tự nhiên 8,4km2 cùng hơn 1.300 nhân khẩu của xã Hòa Liên, thuộc huyện Hòa Vang hiện nay nhập vào xã Hòa Bắc.
Như vậy, so với thông tin được công bố vào ngày 17/4 thì đến nay, TP. Đà Nẵng không cắt phần diện tích và nhân khẩu của Hòa Phước để nhập vào phường Hòa Xuân mà giữ nguyên hiện trạng.
Ngoài ra, phương án cụ thể đối với các phường xã khác được thay đổi theo hướng giảm xuống.

Tiếp tục tinh gọn bộ máy hành chính theo hướng hiệu quả và hiện đại, TP Đà Nẵng vừa công bố điều chỉnh phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường. Theo đó, nhiều quận, huyện sẽ được hợp nhất lại thành những đơn vị lớn hơn, thay đổi đáng kể diện mạo hành chính toàn thành phố.
Tại quận Hải Châu, từ 9 phường hiện hữu, phương án ban đầu vào ngày 17/4 đề xuất giảm xuống còn 3 phường. Tuy nhiên, theo phương án cập nhật mới nhất, quận này sẽ chỉ còn 2 phường:
Phường Hải Châu: Được hình thành từ việc sáp nhập 5 phường gồm Thanh Bình, Thuận Phước, Thạch Thang, Hải Châu và Phước Ninh.
Phường Hòa Cường: Hợp nhất 4 phường còn lại gồm Bình Thuận, Hòa Thuận Tây, Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam.
Quận Thanh Khê, hiện có 6 phường, được điều chỉnh bằng cách tiếp nhận thêm 2 phường từ quận Cẩm Lệ để hình thành 2 phường mới:
Phường Thanh Khê: Sáp nhập các phường Xuân Hà, Chính Gián, Thạc Gián, Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây.
Phường An Khê: Được thành lập từ các phường An Khê, Hòa An và Hòa Phát.

Tại quận Sơn Trà, phương án giữ nguyên theo đề xuất ngày 17/4 với việc tái cấu trúc 6 phường thành 2 phường mới:
Phường An Hải: Hợp nhất các phường Phước Mỹ, An Hải Bắc và An Hải Nam.
Phường Sơn Trà: Gồm các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông và Mân Thái.
Quận Ngũ Hành Sơn cũng sáp nhập toàn bộ 4 phường hiện có gồm Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải và Hòa Quý, thành phường Ngũ Hành Sơn duy nhất.
Tại quận Liên Chiểu, có 3 phương án sáp nhập:
Phường Hòa Khánh: Hình thành từ phường Hòa Khánh Nam, phường Hòa Minh và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang).
Phường Liên Chiểu: Hợp nhất phường Hòa Khánh Bắc và xã Hòa Liên.
Phường Hải Vân: Sáp nhập phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Bắc.
Đối với quận Cẩm Lệ, phương án mới như sau:
Phường Cẩm Lệ: thành lập từ 3 phường sáp nhập là Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông và Khuê Trung.
Phường Hòa Xuân: giữ nguyên phường Hòa Xuân hiện tại và mở rộng thêm với 2 xã Hòa Phước và Hòa Châu của huyện Hòa Vang.
Về phần huyện Hòa Vang, các xã cũng được sắp xếp lại như sau:
Xã Hòa Vang: Hợp nhất từ 2 xã Hòa Phong và Hòa Phú.
Xã Hòa Tiến: Gồm xã Hòa Tiến hiện tại và Hòa Khương.
Xã Bà Nà: Hình thành từ xã Hòa Ninh và Hòa Nhơn.
Đặc biệt, huyện đảo Hoàng Sa sẽ được tổ chức thành đặc khu Hoàng Sa, tương đương cấp xã, giữ nguyên ranh giới hành chính hiện hành.
Trước đó, theo phương án công bố ngày 17/4, Đà Nẵng dự kiến sẽ còn 19 đơn vị hành chính cấp xã gồm 15 phường, 3 xã và đặc khu Hoàng Sa. Ban đầu, các đơn vị mới được đặt tên theo quận, huyện và đánh số thứ tự (như Hải Châu 1, Hải Châu 2…). Tuy nhiên, đến ngày 22/4, thành phố quyết định bỏ quy ước đánh số và thay bằng cách đặt tên theo địa danh truyền thống, nhằm giữ gìn yếu tố văn hóa – lịch sử gắn với từng khu vực.
Tại cuộc họp báo ngày 3/4, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, khẳng định chủ trương sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng là "đúng đắn", "trước đây tách ra là đúng, nay nhập về cũng đúng".
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025, phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Tổng cộng, 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập.
Trong số đó, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng sẽ được sáp nhập, hình thành một thành phố trực thuộc Trung ương mới với tên gọi là TP. Đà Nẵng.
Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại quận Hải Châu, thuộc TP. Đà Nẵng hiện nay. Đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 11.859,6km2 và dân số khoảng 2.819.900 người.
Hiện tại, trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có diện tích nhỏ nhất với khoảng 1.285km2. Như vậy, sau khi sáp nhập, diện tích của TP. Đà Nẵng sẽ được mở rộng lên 9 lần.
>> Sau sáp nhập, tỉnh giàu có của Việt Nam sẽ sở hữu 'siêu phường' với gần 200.000 dân
Chủ dự án Vinhomes Global Gate báo lãi quý kỷ lục, gấp nhiều lần ngân hàng lớn
Thành phố giàu nhất Việt Nam có thêm sân vận động mới hơn 2ha nằm ở cửa ngõ Tây Bắc