TPHCM: Siết chặt hoạt động vận tải khách, xử lý hơn 10.000 xe vi phạm
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng của TPHCM đã phát hiện 10.081 trường hợp xe khách vi phạm trong 9 tháng vừa qua.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023 sáng 10/10, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM cho biết, thời gian qua, TPHCM đã tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sau khi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn thành phố đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Gần đây nhất, ngày 5/10, Sở GTVT đã công bố quyết định kiểm tra đối với Công ty Thành Bưởi liên quan đến vụ TNGT làm 5 người chết ở Đồng Nai vừa qua.
(TyGiaMoi.com) - Lập danh sách, rà soát 32 điểm "bến cóc"
Sở GTVT phối hợp Công an Thành phố tăng cường kiểm soát tải trọng trên địa bàn, phát hiện 1.907 trường hợp vi phạm, trong đó, 1.727 trường hợp vi phạm về tải trọng, 83 trường hợp vi phạm về quá khổ giới hạn, 99 trường hợp vi phạm về cải tạo phương tiện cơi nới thùng xe.
Thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đã thu hồi 6.236 phù hiệu đối với phương tiện trong một tháng có từ 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy; xử lý tổng cộng 317 trường hợp vi phạm về chở hàng quá tải trọng cho phép.
Lực lượng Thanh tra giao thông đã xử lý 2.383 trường hợp vi phạm dừng đỗ xe, đón trả khách không đúng quy định với số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng; trong đó xử phạt qua hình ảnh là 1.699 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 2 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 71,3% số vụ).
Đáng chú ý, công an TPHCM đã lập danh sách quản lý 1.425 đơn vị, chủ phương tiện (gồm 940 doanh nghiệp, 485 cá nhân), với 10.898 phương tiện (trong đó có 10.717 xe từ 10 chỗ ngồi trở lên, 181 xe cải tạo từ 10 chỗ trở lên thành dưới 10 chỗ).
Lập danh sách, rà soát 23.026 lái xe (qua đó, chưa phát hiện lái xe dương tính với chất ma tuý); danh sách 189 bến xe; 307 điểm trung chuyển, đón trả khách; 32 điểm "bến cóc"; 2.974 phương tiện hoạt động trên các tuyến cao tốc; 5.365 phương tiện hoạt động trên các tuyến quốc lộ; 2.973 phương tiện hoạt động trên các tuyến tỉnh lộ; 3.876 phương tiện hoạt động trên các tuyến đường khác để quản lý.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, cho ký cam kết đối với 641 chủ phương tiện là doanh nghiệp, 101 chủ phương tiện là cá nhân, 5.537 lái xe; 83 bến xe; 95 điểm trung chuyển, đón trả khách.
Về công tác xử phạt, qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện 10.081 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó hành vi vi phạm đặc trưng là vi phạm về dừng, đỗ không đúng nơi quy định với 7.905 trường hợp, chiếm tỉ lệ 78% tổng các hành vi vi phạm.
Báo động TNGT liên quan đến học sinh
Ông Nguyễn Thành Lợi cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, TPHCM đã xảy ra 1.114 vụ tai nạn giao thông, làm chết 408 người và bị thương 711 người; so với cùng kỳ năm 2022, giảm 369 vụ (-24%), giảm 76 người chết (-16%), giảm 256 người bị thương (-26%).
Riêng đối với TNGT liên quan đến học sinh, 9 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TPHCM xảy ra 40 vụ TNGT (trong đó, 38 vụ học sinh, sinh viên điều khiển phương tiện, 2 vụ học sinh, sinh viên bộ hành), làm chết 10 em, bị thương 25 em.
Lực lượng chức năng cũng lập biên bản xử phạt 250 trường hợp liên quan tới học sinh, sinh viên (tăng 56 trường hợp so với cùng kỳ).
Các lỗi vi phạm phổ biến, như: Sử dụng xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện vi phạm luật giao thông đường bộ không đủ tuổi điều khiển phương tiện; Vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; Chạy quá tốc độ cho phép…
Sau khi nghe Ban ATGT TPHCM báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng hoan nghênh những kết quả của TPHCM trong công tác đảm bảo TTATGT với những con số rất ấn tượng, đơn cử như giảm đến 24% số vụ TNGT, số người chết, bị thương cũng giảm rất sâu so với cùng kỳ năm trước dù số lượng dân cư, phương tiện rất đông đúc.
"Không có con đường nào khác ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong giáo dục, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt trong mỗi gia đình – thành tố của xã hội; để từ đó tập hợp được nhiều giải pháp, cùng làm tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông", Bộ trưởng nói.
Xử lý trách nhiệm cha mẹ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi lái xe
Về phía Bộ Công an, Bộ trưởng đề nghị duy trì công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có GPLX điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây TNGT.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương vừa tuyên truyền vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm TTATGT của học sinh.
Được biết, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đưa vào đề xuất: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn cho học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tham gia giao thông.
Như vậy, học sinh từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ buộc phải học kỹ năng lái xe gắn máy an toàn và tham gia chương trình đào tạo, phổ biến Luật Trật tự, an toàn giao thông.
Trước tình trạng gia tăng các vụ tai nạn liên quan đến học sinh, sinh viên, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành công điện gửi lãnh đạo địa phương về việc tăng cường đảm bảo ATGT cho học sinh, trẻ em. Trong đó, đề nghị các lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm; xử lý hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trong khi đó, nhiều địa phương kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc học luật đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, xe dưới 50 phân khối nhằm trang bị kiến thức về giao thông và kỹ năng lái xe cho học sinh, phòng ngừa và ngăn chặn TNGT liên quan đối tượng này.