TPHCM: Tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để phát triển kinh tế xanh
Theo các chuyên gia, TPHCM cần tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh, nhất là các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bằng hành động cụ thể thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về những nội dung đã cam kết, chính quyền TPHCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiều chương trình để ứng phó với biến đổi khí hậu; từng bước giảm thiểu carbon trong sản xuất, kinh doanh và dẫn dắt chuyển đổi tiêu dùng xanh cho người dân. Đặc biệt, TPHCM còn có Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố, trong đó có một số nội dung về kinh tế xanh.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, TPHCM có địa hình thấp, sụt lún và là một trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biển đối khí hậu.
Ngoài ra, phát thải khí nhà kính của TPHCM chiếm 23% tổng phát thải của cả nước và chủ yếu từ năng lượng và giao thông. Đây là vấn đề rất lớn mà Thành phố cần giải quyết, trong đó về giao thông, xe điện chiếm tỉ lệ rất thấp, chủ yếu là xe chạy xăng dầu.
Về vận tải công cộng, xe buýt đang có xu hướng giảm mặc dù cơ bản được trợ giá. Đối với việc thí điểm xe công nghệ taxi và xe buýt điện thì mới có một tuyến xe điện.
Về năng lượng, Thành phố tiêu thụ bình quân 25 tỷ kwh/năm, chiếm 10% cả nước. Có 3 lĩnh vực năng lượng tái tạo đang đẩy mạnh phát triển, đó là điện mặt trời, điện sinh khối và điện gió. Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ chiếm 7% công suất.
Về kết quả tăng trưởng xanh, TPHCM đã hình thành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện tăng trưởng xanh từ năm 2012. Bước đầu đã có chuyển biến về nhận thức để giảm phát thải nhà kính và tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Hoạt động xanh hóa sản xuất được bắt đầu và xúc tiến nhiều chương trình tiêu dùng xanh.
Tuy nhiên, ông An nhận định các văn bản chỉ mang tính chất đặt đầu bài, định hướng mà chưa có nội dung cụ thể, đặc biệt là chưa được hỗ trợ.
Trong khi đó, nguồn ngân sách cho tăng trưởng xanh hạn hẹp, phát triển công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế về vấn đề này. Và mặc dù thị trường tái chế chất thải đã được hình thành, tuy nhiên, tính liên kết còn nhiều vướng mắc về mặt pháp lý.
Về năng lượng tái tạo, Thành phố đang khuyến khích phát triển, tuy nhiên về chính sách chung chưa bền vững và ổn định. Trong khi vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo rất lớn, biểu giá cho đầu tư năng lượng tái tạo chưa hấp dẫn, chính vì vậy cần thay đổi để thu hút nhà đầu tư.
Ông Phạm Bình An nhấn mạnh, TPHCM đang có nhu cầu tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế, theo đó dự kiến sẽ chuyển đổi mô hình kinh tế bền vững, tìm động lực tăng trưởng từ các mô hình kinh tế mới, mà xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Thành phố cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp liên kết chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng các tiêu chuẩn xanh và kết hợp phát triển kinh tế số.
(TyGiaMoi.com) - Phải xem chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), TPHCM và Singapore đều có những điểm tương đồng, ở chỗ có tiềm năng lớn khai thác năng lượng từ mặt trời, làm điện mặt trời mái nhà… Ngoài ra, TPHCM có thể học hỏi từ Singapore kinh nghiệm xử lý ngập, lụt.
Vị chuyên gia này chỉ ra, tổng thể toàn bộ động lực phát triển của Singapore là phát triển bền vững, không để lại hậu quả gì cho tương lai. Những gì thế hệ trước để lại cũng là giá trị mà thế hệ sau trân trọng.
Vì vậy, trước hết, phải coi vấn đề này là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề mang tính chất xu thế hay thời thế. Khi đã xem đó là vấn đề sống còn rồi thì tiếp theo là vấn đề chiến lược. Làm thế nào để có chiến lược khai thác được xu thế thời đại, khai thác được cộng hưởng của thế giới, khai thác được trong nước, cùng nhau đồng lòng giữ cho đất nước xanh-sạch.
Thứ 3, theo ông Khương, là cấu trúc tổ chức, phải có người chịu trách nhiệm cụ thể, dành cho họ nguồn lực thỏa đáng và trách nhiệm thỏa đáng. Nếu có chiến lược tốt, tổ chức tốt thì sẽ thuận lợi trong việc thực hiện.
Bên cạnh đó, phải cử những người xuất sắc để người dân cảm thấy đáng kính nể thì sẽ làm cho bộ máy sáng tạo, vượt lên hàng đầu.
Cuối cùng, phải luôn luôn lắng nghe. Ông Vũ Minh Khương đánh giá cao Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 4 được tổ chức ngày 15/9, theo đó Thành phố vừa lắng nghe ý kiến của các nơi, vừa thôi thúc mình có ý tưởng mới.
"Lãnh đạo TPHCM đã thể hiện quyết tâm cao độ nhưng muốn thực hiện được đòi hỏi cả bộ máy chính quyền phải quyết tâm vào cuộc. Ngoài ra, Chính phủ cần có một Tổ yểm trợ nhằm tháo gỡ những vấn đề về cơ chế, chính sách cho địa phương, doanh nghiệp", ông Khương nêu.
Còn theo TS. Trần Du Lịch, TPHCM sẽ phải tận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để chuyển đổi xanh. Trên cơ sở xây dựng khung chiến lược về chuyển đổi, TPHCM có thể tận dụng ngay để xử lý vấn đề năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi.
Ông Lịch cho rằng, TPHCM cần tận dụng Nghị quyết 98 để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh, nhất là các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ngoài ra, Thành phố còn phải tính toán giảm cho được khí thải, ô nhiễm từ hệ thống giao thông cá nhân (chủ yếu là xe gắn máy).
TPHCM triệt để tận dụng cơ chế đặc thù, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển KTXH 
Chuyên gia đề xuất áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 cho cả vùng Đông Nam Bộ