Trái phiếu doanh nghiệp: "Rối rắm" chuyện buộc dây - cởi trói

06-06-2022 12:36|Minh Khuê

Sau những đổ vỡ từ vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại - nhất là doanh nghiệp bất động sản đang tồn tại hàng loạt vấn đề.

Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, trong số 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2021 có 57 doanh nghiệp phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trước khi phát hành; 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10 và 10 doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ khối lượng phát hành gấp trên 5 lần vốn chủ sở hữu.

Mặt khác, một số doanh nghiệp phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn hoặc phát hành để chuyển vốn lòng vòng nhằm lách quy định về giới hạn cho vay/đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng.

Về tài sản đảm bảo của trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là bất động sản, các chương trình, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Do đó, trường hợp thị trường bất động sản khó khăn, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Đáng nói, theo Bộ Tài chính, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cách thức “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán riêng lẻ.

Một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trước thực tế đó, cùng với hoạt động thanh, kiểm tra thì Bộ Tài chính đang hoàn thiện hành lang pháp lý đối với thị trường này. Từ năm 2018 đến nay, Bộ đã trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp và đang trình tiếp Nghị định sửa đổi. Tuy vậy, thị trường phát triển quá nhanh, khiến chính sách không theo kịp, cơ quan quản lý thể hiện rõ sự lúng túng khi qua 5 lần lấy ý kiến, dự thảo sửa đổi Nghị định 153 vẫn chưa thể hoàn thiện.

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, các quy định siết trái phiếu doanh nghiệp của dự thảo sửa đổi nghị định này, nếu được ban hành có thể khiến 70 - 80% doanh nghiệp phải rời cuộc chơi trái phiếu.

Không nên “bóp nghẹt” thị trường

Dù động thái chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã khiến quy mô phát hành và dòng tiền đầu tư vào thị trường này sụt giảm mạnh 2 tháng trở lại đây nhưng Bộ Tài chính cho rằng, về dài hạn, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đồng loạt tung các “lực lượng” rà soát lại toàn bộ thị trường trong thời điểm nhạy cảm này có thể phản tác dụng.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, suốt một thời gian dài cơ quan chức năng đã không giám sát thường xuyên, đến khi xảy ra vài sự cố thì quay lại giám sát chặt khiến thị trường này gần như bị đình lại toàn bộ.

“Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị chương trình thanh tra hàng loạt công ty kiểm toán và công ty chứng khoán. Việc thanh tra hàng loạt là không tinh tế, đáng lẽ làm thường xuyên chứ không phải giờ mới tung lực lượng đi thanh tra”, ông Nghĩa nói.

Vị chuyên gia cũng cảnh báo, việc siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nguy cơ vỡ nợ là thấy rõ.

“Hiện nay, có khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn. Nếu siết quá mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản đóng băng. Khi thị trường này đóng băng thì chuyện gì xảy ra cho các ngân hàng thương mại?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Theo nhiều chuyên gia, rủi ro cũng chính là một yếu tố tồn tại ở bất kỳ thị trường trái phiếu doanh nghiệp nào trên thế giới. Có một nguyên lý gần như mặc định là trái phiếu doanh nghiệp rủi ro hơn tiết kiệm ngân hàng nhưng an toàn hơn thị trường chứng khoán. Do đó, nếu muốn an toàn, nhà đầu tư nên gửi tiết kiệm còn muốn lãi suất cao khi mua trái phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư phải chấp nhận mức độ rủi ro nhất định.

Không có hình thức đầu tư nào là an toàn 100%. Vì vậy các cơ quan quản lý cũng phải có hướng mở để thị trường này phát triển đồng thời bản thân các nhà đầu tư cũng phải nâng cao hiểu biết của mình trước khi quyết định đầu tư bởi nếu không có kiến thức, bạn có thể mất tiền ở bất kỳ thị trường nào khi đầu tư bất kỳ sản phẩm nào, không riêng gì trái phiếu doanh nghiệp.

Bãi bỏ 12 thông tư về tài chính đất đai

Sau khi ‘thay da đổi thịt’, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã giảm được nợ xấu, kinh doanh bắt đầu có lãi

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-roi-ram-chuyen-buoc-day-coi-troi-129462.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trái phiếu doanh nghiệp: "Rối rắm" chuyện buộc dây - cởi trói
    POWERED BY ONECMS & INTECH