Tránh chồng lấn trong quy định về cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm… VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại một số quy định để tránh việc chồng lấn…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 6542/BGTVT-VT của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (Dự thảo).
Cụ thể, tại nội dung văn bản, VCCI cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo, hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ sẽ thực hiện theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, trong hồ sơ cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3, loại 4 và loại 9 tại khoản 2 Điều 17 Dự thảo có yêu cầu phải cung cấp “bản sao hoặc bản chính giấy đăng ký khối lượng, chủng loại và thời gian tiếp nhận của cơ quan trực tiếp quản lý kho vật liệu nổ công nghiệp được vận chuyển đến hoặc văn bản cho phép về địa điểm bốc dỡ vật liệu nổ công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; “Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp”; “Bản sao hoặc bản chính văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép xuất khẩu hoặc vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp từ Việt Nam ra nước ngoài (trường hợp vận chuyển ra nước ngoài)”. Đây là những tài liệu yêu cầu để vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại quy định này để tránh việc chồng lấn trong quy định về cấp phép vận chuyển hàng nguy hiểm là vật liệu nổ công nghiệp quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo, thời hạn của Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm có hai dạng: (1) Giá trị một lần đối với phương tiện có hợp đồng vận chuyển theo chuyến; (2) Giá trị không quá 24 tháng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo kế hoạch hoặc hợp đồng vận chuyển. Theo VCCI, quy định này cần xem xét ở các điểm:
Chưa rõ trường hợp nào thì doanh nghiệp được cấp giấy phép có giá trị một lần, trường hợp nào thì được cấp giấy phép có thời hạn. Bởi, đối tượng được cấp giấy phép một lần hoặc có thời hạn là chưa thật rõ ràng. “Hợp đồng theo chuyến” cũng có thể là “Hợp đồng vận chuyển” hoặc nằm trong “kế hoạch” của doanh nghiệp. Trong trường hợp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng nguy hiểm thì sẽ phải thực hiện thủ tục để được cấp giấy phép có giá trị một lần hay là có thời hạn?
Việc thiết kế hai dạng giấy phép và thời hạn như trên (theo dạng từng chuyến, thời hạn giấy phép khá ngắn) sẽ khiến doanh nghiệp phải xin giấy phép nhiều lần, chưa thể hiện tinh thần cải cách hành chính.
Từ đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang triển khai, VCCI đề nghị Ban soạn thảo: Quy định rõ các trường hợp cấp giấy phép theo chuyến và các trường hợp cấp giấy phép có thời hạn; Về cấp giấy phép có thời hạn, phân tách trường hợp cấp giấy phép cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải hàng nguy hiểm và cấp giấy phép cho doanh nghiệp vận tải nội bộ; Thời hạn giấy phép cân nhắc theo hướng không có thời hạn (cơ quan kiểm soát theo hướng thanh tra, kiểm tra, áp dụng chế tài đình chỉ/thu hồi Giấy phép nếu vi phạm) hoặc kéo dài thời hạn giấy phép hơn, ít nhất là 05 năm.
Góp ý Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp 
Dữ liệu khi được số hóa phải dùng ngay thì mới 'sống'