Xe

Trật tự ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ thay đổi ra sao trong năm 2025?

Hoàng Hiệp (Theo GlobalData, CNN, Motorbiscuit) 27/01/2025 07:50

Sự sáp nhập của các hãng xe lớn, xu hướng điện hoá và những thay đổi từ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể khiến ngành công nghiệp ô tô thế giới xáo trộn trong năm 2025.

Bước sang năm 2025, ngành công nghiệp ô tô thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi và biến động. Cụ thể, các chuyên gia phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới cho rằng, có ít nhất 4 xu hướng và vấn đề chính góp phần định hình ngành công nghiệp ô tô vào năm 2025.

Hàng loạt hãng xe sáp nhập để làm mới mình

Honda và Nissan, hai nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai và thứ ba của Nhật Bản đã thông báo vào cuối năm 2024 rằng họ sẽ bắt đầu đàm phán để sáp nhập theo một công ty mẹ vào năm 2026, đồng thời có thể kéo theo của hãng xe đồng hương Mitsubishi tham gia liên minh. Điều này sẽ tạo ra tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới nhằm tạo ra động lực mới cạnh tranh với các nhà sản xuất xe điện của Mỹ và Trung Quốc.

Nissan Honda sap nhap.jpeg

Việc sáp nhập trong ngành công nghiệp ô tô không phải là điều mới mẻ. Điều này đã diễn ra từ khi General Motors (GM) được thành lập thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu khác nhau vào thập niên đầu của thế kỷ 20. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thương vụ Honda-Nissan có thể kích thích một chuỗi các vụ sáp nhập khác, qua đó định hình lại ngành công nghiệp ô tô trong tương lai.

Phó Chủ tịch toàn cầu về nghiên cứu ô tô của GlobalData Jeff Schuster cho rằng, thương vụ Honda-Nissan sẽ là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của hai hãng xe, đồng thời có thể khiến nhiều hãng xe khác phải suy nghĩ về điều này.

Ông Schuster phân tích, các yếu tố thúc đẩy sáp nhập bao gồm: thay đổi công nghệ, nhu cầu lớn về R&D, huy động và chi tiêu vốn, cho đến tối ưu hoá lợi nhuận đều rất mạnh mẽ. Xu hướng hợp nhất dự kiến sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới, và có lẽ chỉ những "người khổng lồ" mới tồn tại độc lập được.

“Nếu không đạt được lợi thế kinh tế và quy mô thì việc sống sót sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt khi bước vào lĩnh vực công nghệ mới với các đối thủ mới. Trong một thị trường cạnh tranh cao, điều đó thường dẫn đến những quan hệ đối tác mà bình thường có thể không xảy ra”, ông Schuster nhấn mạnh.

Xu hướng điện hoá và xe tự lái là khó đảo ngược, nhưng không vội vàng

Sự chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện (EV) và công nghệ tự hành không chỉ là xu thế mà thực sự đã hiện hữu, trong năm 2024. Việc chuyển đổi nhanh sang xe điện phần nào đến từ các quy định môi trường của các quốc gia, khiến động cơ đốt trong dần trở nên lạc hậu và bị thay thế do không đảm bảo về Net Zero và một phần đến từ yêu cầu của các nhà đầu tư về định giá cổ phiếu cao (như trường hợp của Tesla).

Trên thực tế, việc chuyển dịch sang EV cũng đã tiêu tốn hàng chục tỷ USD chi phí nghiên cứu và phát triển của các hãng xe, và ngành công nghiệp này sẽ cần thêm hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm tỷ USD nữa trong tương lai gần. Tuy nhiên, EV chưa mang lại lợi nhuận ngay lập tức cho các nhà sản xuất ô tô, ngoại trừ Tesla và một số hãng tại Trung Quốc.

“Thực tế nghiệt ngã là các khoản đầu tư này vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi, và sẽ mất nhiều thời gian hơn họ dự tính”, Phó Chủ tịch Toàn cầu về Nghiên cứu ô tô của GlobalData Jeff Schuster nhận định.

Đối với việc phát triển tính năng xe tự lái, dù người tiêu dùng đã thể hiện sự quan tâm đến các tính năng cao cấp (cấp 3, cấp 4), nhưng việc xây dựng xe tự lái thực sự vẫn là một thách thức. Điều này khiến nhiều ông lớn phải tính toán lại có nên đổ thêm tiền để phát triển và nâng cấp chúng lên nữa hay không.

GM gần đây đã ngừng các kế hoạch phát triển robotaxi, với lý do chi phí quá cao. Ford cũng đã giảm bớt các nỗ lực phát triển xe tự lái từ năm 2022. Tuy nhiên, Tesla và một số hãng khác vẫn đang tiếp tục với các kế hoạch phát triển xe tự lái, dù ở quy mô khiêm tốn hơn dự kiến ban đầu.

New cars in production.jpeg

Sự nổi lên của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc

Theo Tiến sĩ K. Venkatesh Prasad - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu và Giám đốc đổi mới sáng tạo tại Trung tâm nghiên cứu ô tô (CAR) nhấn mạnh rằng, ngoài những thay đổi công nghệ, sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc là một yếu tố quan trọng có thể quyết định đến trật tự ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Cách đây 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc hầu như không được chú ý trên bản đồ quốc tế, khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây thống trị Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Sau đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc dần hình thành, phát triển là chiếm lĩnh thị trường nội địa. Còn hiện tại, các hãng xe Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành thế lực lớn của thế giới.

"BYD, một trong những hãng xe lớn nhất Trung Quốc, đã bán được hơn 4 triệu xe trong năm 2024, tăng 41% so với năm trước - mức tăng vượt xa bất kỳ nhà sản xuất ô tô phương Tây nào. Khác với các nhà sản xuất truyền thống vốn vẫn phụ thuộc vào xe chạy xăng để đạt doanh thu và lợi nhuận, hơn một phần ba doanh số của BYD đến từ xe điện.

"Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc hiện đang làm rung chuyển thị trường châu Âu và dự kiến sẽ chiếm thị phần đáng kể tại Bắc Mỹ trong tương lai.", Tiến sĩ K. Venkatesh Prasad nói.

Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump

Sự trở lại ghế tổng thống Mỹ của ông Donald Trump một lần nữa sẽ làm dấy lên khả năng Mỹ sẽ áp dụng lập trường bảo hộ nhiều hơn trong thương mại quốc tế. Ngay sau khi nhậm chức, các sắc lệnh hành pháp do ông Trump ban hành đã phủ nhận gần như hoàn toàn đối với một trọng tâm trong chương trình trị giá hàng tỷ USD của cựu Tổng thống Biden nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

xe dien my donald trump .jpeg

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa ký sắc lệnh chấm dứt các khoản tín dụng thuế cho việc mua xe điện, trợ cấp liên bang cho trạm sạc, cùng các khoản vay và tài trợ để hỗ trợ cải tiến dây chuyền lắp ráp và xây dựng nhà máy sản xuất pin. Giới chuyên gia cho rằng, động thái này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ tụt hậu trong cuộc cạnh tranh xe điện so với các hãng xe châu Á và châu Âu.

Đánh giá về tác động đối với thị trường xe điện trên thế giới nói chung, bà Shay Natarajan - đối tác tại Quỹ đầu tư tư nhân Mobility Impact Partners nhận định, tác động từ chính sách trên của ông Trump sẽ rất lớn.

Theo bà Natarajan, nếu nhu cầu xe điện suy giảm, như đã xảy ra ở Đức khi chính phủ cắt giảm các khoản hỗ trợ và chính sách ưu đãi, thì các nhà sản xuất có thể đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất tại các nhà máy sản xuất xe điện và pin.

Về tác động đối với môi trường, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường bày tỏ lo ngại rằng quyết định trên của tân Tổng thống Mỹ sẽ là bước lùi lớn đối với nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí tại các đô thị do phương tiện giao thông gây ra, đồng thời gây hại đến sức khỏe, tài chính và môi trường. Trong khi đó, các đại diện ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch lại hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump.

Mặc dù được coi là một cách để phục hồi ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, các sắc lệnh này có thể khiến các nhà sản xuất ô tô của Mỹ tụt hậu.

>> Những sự kiện nổi bật của ngành công nghiệp ô tô thế giới năm 2024

Những sự kiện nổi bật của ngành công nghiệp ô tô thế giới năm 2024

Vingroup (VIC) lập kỷ lục mới trong ngành công nghiệp ô tô thế giới với nhà máy xe điện 7.300 tỷ tại Hà Tĩnh

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/trat-tu-nganh-cong-nghiep-o-to-the-gioi-se-thay-doi-ra-sao-trong-nam-2025-2366166.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trật tự ngành công nghiệp ô tô thế giới sẽ thay đổi ra sao trong năm 2025?
    POWERED BY ONECMS & INTECH