'Vựa lúa' miền Bắc sắp có 2 nhà máy quy mô, vươn mình trở thành trung tâm mới ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam
Địa phương này lọt 'mắt xanh' của doanh nghiệp nước ngoài khi cùng lúc hình thành 2 nhà máy phục vụ sản xuất ô tô.
Vừa qua, Tasco và Geely đã ký kết ba hợp đồng và thỏa thuận quan trọng, bao gồm: Hợp đồng liên doanh sản xuất lắp ráp ô tô giữa Tasco và Geely; Hợp đồng ủy quyền phân phối thương hiệu Geely Auto tại Việt Nam cho Tasco; và Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tasco, Geely, cùng Ban Quản lý Khu kinh tế  và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình.
Theo thỏa thuận, nhà máy liên doanh của Tasco và Geely sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Bình dưới dạng CKD (lắp ráp trong nước với linh kiện nhập khẩu). Nhà máy sẽ được triển khai trên diện tích 30 ha với công suất thiết kế 75.000 xe/năm trong giai đoạn 1. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 168 triệu USD (hơn 4.100 tỷ đồng).
Sản phẩm của nhà máy  sẽ là các mẫu xe thuộc thương hiệu Geely và Lynk & Co, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Trong tương lai, nhà máy này có thể mở rộng để lắp ráp thêm các thương hiệu ô tô khác.
Dự kiến, nhà máy liên doanh của Tasco và Geely sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và sẽ xuất xưởng mẫu xe đầu tiên vào đầu năm 2026.
Bên cạnh việc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô, liên doanh Tasco và Geely cũng sẽ kêu gọi các nhà đầu tư khác tham gia để hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, đồng thời xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển ô tô (R&D) cho khu vực Đông Nam Á.
>> Siêu dự án điện khí gần 12 tỷ USD bên thềm lục địa Việt Nam chuẩn bị chọn nhà thầu 
Doanh nghiệp này còn có kế hoạch thành lập trường đại học đào tạo kỹ thuật ô tô và đầu tư sản xuất điện thoại thông minh chuyên biệt phục vụ cho việc kết nối ô tô với người dùng tại Khu kinh tế Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Thái Bình, vốn được biết đến là "vựa lúa" của miền Bắc với truyền thống nông nghiệp lâu đời nhờ phù sa từ hai con sông lớn là sông Hồng và sông Trà Lý, giờ đây đang trở thành miền đất hứa cho nền công nghiệp. Nhiều thương hiệu lớn đã lựa chọn đầu tư tại đây. Trước đó, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Chery) đã ký kết hợp đồng liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 800 triệu USD.
Khi hoàn thành, các dự án này sẽ biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất ô tô chủ lực của khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một phần trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các thương hiệu lớn như Chery.
Được thành lập từ năm 1986, đến nay Geely đã trở thành một trong 10 nhà sản xuất ô-tô lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc đầu tiên đạt mốc 10 triệu người dùng, với tổng cộng hơn 16 triệu khách hàng trên hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Geely cũng là nhà sản xuất ô-tô châu Á đầu tiên trở thành thành viên Hiệp hội ô-tô thế giới IATF (2021). Đặc biệt, Tập đoàn Geely là công ty mẹ của hãng xe an toàn nhất thế giới Volvo