Tỉnh giàu nhất Việt Nam giải ‘bài toán khó’ cho khu công nghệ thông tin 10.000 tỷ đồng
Khi hoàn thành, dự án kỳ vọng sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo Tiền Phong, UBND tỉnh Bình Dương cho biết quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn, cả về cơ chế chính sách lẫn hạ tầng pháp lý.
Cụ thể, nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn chuyển đổi số, gây vướng mắc trong việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, dữ liệu lớn (Big Data)... Đặc biệt, tỉnh vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thành lập Công viên Khoa học Công nghệ theo kế hoạch. Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung cũng đang được thành lập dựa trên Nghị định 154/2013/NĐ-CP, tuy nhiên nhiều quy định pháp luật liên quan đã thay đổi, khiến quy trình triển khai thiếu đồng bộ, kéo dài thời gian thực hiện.
Bình Dương dự kiến sẽ khởi công dự án Khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích quy hoạch 15,47ha tại phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.000 tỷ đồng, nhằm xây dựng hạ tầng đồng bộ cho ứng dụng, nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT, đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp số.
>> Tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam sắp có 8 dự án được tài trợ 500 triệu USD
Khi hoàn thành, dự án kỳ vọng sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế hàng nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Khu CNTT này sẽ hình thành trung tâm dữ liệu lớn, cung cấp hạ tầng, dịch vụ CNTT, truyền thông, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

UBND tỉnh cũng phản ánh rằng hiện nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn – cả trong và ngoài Nhà nước – vẫn không chấp nhận bản sao điện tử. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều trở ngại trong chuyển đổi số do thiếu nền tảng, công cụ và dịch vụ tư vấn chuyên biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Quy trình đầu tư và mua sắm công nghệ hiện nay cũng khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án chuyển đổi số một cách kịp thời và hiệu quả.
Để tháo gỡ những nút thắt trên, Bình Dương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành Trung ương sớm trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn, trong đó có các nghị định và thông tư chi tiết liên quan đến khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, tinh giản quy trình đầu tư công nghệ, tạo cơ chế thuê dịch vụ CNTT linh hoạt, tăng cường đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ.
Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉnh Bình Dương có thu nhập đầu người đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước, đưa tỉnh trở thành địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất Việt Nam năm 2023.
Viettel sắp làm trung tâm dữ liệu lớn tại TP. HCM, quy mô gấp 4 lần khu công nghệ cao Hòa Lạc
Thành phố đáng sống nhất Việt Nam sắp có khu công nghệ cao hơn 44.000m2