Tiêu dùng, 1 trong 4 trụ cột của GDP, đang trên đà giảm do thu nhập khả dụng thấp. Điều này khiến các nhà phân tích lo lắng về tương lai nền kinh tế Mỹ.
Các động lực chính đằng sau sự phục hồi tiêu dùng  đáng kinh ngạc ở Mỹ đang đồng loạt mất đà, cho thấy sự sụt giảm trong nhu cầu tiêu dùng ở các hộ gia đình đang trầm trọng hơn. Người Mỹ ngày càng phụ thuộc vào tín dụng trong khi thu nhập khả dụng tăng một cách khiêm tốn trong những năm qua, không thể bù lại so với tỷ lệ lạm phát.
Bên cạnh đó, số liệu cũng cho thấy tỷ lệ tiết kiệm hiện ở mức thấp nhất trong 16 tháng do các hộ gia đình gần như đã cạn kiệt lượng tiền mặt tích lũy được trong thời kỳ đại dịch. Đổi lại, nhiều người Mỹ ngày càng dựa vào thẻ tín dụng và các nguồn tài chính khác để hỗ trợ chi tiêu của họ.
Những yếu tố này giải thích tại sao chi tiêu thực tế - loại trừ tác động từ lạm phát - giảm trong tháng 4, khiến người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho ô tô, nhà hàng và các hoạt động giải trí. Khi thị trường việc làm cũng hạ nhiệt, các công ty bán lẻ, chuỗi siêu thị như Best Buy Co. đã nhận thấy sự thay đổi trong những tháng gần đây khi người mua hàng có xu hướng chuyển sang các thương hiệu rẻ hơn.
Một cửa hàng bán lẻ của chuỗi siêu thị Best Buy tại Chicago, Mỹ |
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY, cho biết : ‘Động lực thị trường lao động chậm lại sẽ tiếp tục hạn chế tăng trưởng thu nhập và thúc đẩy nhiều gia đình “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh đệm tiết kiệm giảm và gánh nặng nợ cao hơn. Sự nhạy cảm đối với thay đổi về giá khiến cho đà chi tiêu của hộ gia đình sẽ dần dần đi xuống.
Tuy vậy, sự sụt giảm trong chi tiêu tiêu dùng tháng 4 và việc giảm ước tính GDP (tổng sản phẩm quốc nội) trong quý I của chính phủ cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đạt được tốc độ mạnh mẽ, đúng với mục tiêu đề ra vào năm 2023.
Dữ liệu mới nhất cũng trấn an các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Fed, khi cuộc tranh luận về hiệu quả của chính sách lãi suất - ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua – có đang kiềm chế lạm phát nền kinh tế như mong đợi hay không.
Khi lạm phát ngày càng gia tăng, buộc Fed phải giữ chi phí đi vay ở mức cao, nền kinh tế Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu chậm lại . Nhu cầu về người lao động đã giảm so với đỉnh điểm của đại dịch, có nghĩa là các nhà tuyển dụng không còn tăng lương nhanh chóng nữa. Báo cáo chi tiêu tiêu dùng cá nhân cho thấy tiền lương tăng 0,2% trong tháng 4, mức tăng nhỏ nhất trong 5 tháng.
Những số liệu không đến từ chính phủ
Hôm 1/6, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát giữ vai trò quan trọng trong các quyết định lãi suất của Fed. Sự chú ý của nhà đầu tư đối với báo cáo này chủ yếu tập trung vào chỉ số PCE, nhằm xác định liệu Fed có bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay .
Theo báo cáo, chỉ số PCE tháng 4 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với mức dự báo mà các chuyên gia kinh tế đưa ra, mức tăng không thay đổi so với tháng 3. PCE lõi  - loại bỏ các mặt hàng có giá thường xuyên biến động là thực phẩm và năng lượng - tăng 2,8%.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Wall Street Journal, nhưng số liệu khác về hoạt động của nền kinh tế Mỹ mà bản báo cáo này đưa ra thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả chỉ số PCE. Trong đó phải kể tới các số liệu về thu nhập và tiêu dùng cá nhân.
Báo cáo doanh thu của các hãng bán lẻ lớn cung cấp nhiều góc nhìn về tiêu dùng của người dân Mỹ |
Bà Corie Barry, CEO của Best Buy, nhận định rằng người tiêu dùng đang phải đưa ra “những lựa chọn khó khăn với ngân sách của họ”. Báo cáo thu nhập của hệ thống bán lẻ điện tử hàng đầu nước Mỹ tiết lộ nhiều vấn đề từ “cơm áo gạo tiền” của người dân Mỹ đến những vấn đề kinh tế vĩ mô.
Báo cáo thu nhập gần đây của tập đoàn bán lẻ Best Buy chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các mặt hàng thiết yếu hơn các mặt hàng tùy ý hay dịch vụ giải trí. Và người tiêu dùng có thu nhập cao hơn đang săn lùng các mặt hàng khuyến mại, điều này đã giúp thúc đẩy doanh số bán hàng tại Walmart và Dollar General.
“Ba tháng trước, có một số chỉ số cho thấy những mặt tích cực, bao gồm lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức thấp, xu hướng khuyến khích niềm tin của người tiêu dùng và sự khởi đầu của sự phục hồi của thị trường nhà đất”. Tuy nhiên, "cho đến nay lạm phát vẫn cao, Fed giữ lãi suất thế chấp cao và chỉ số niềm tin người tiêu dùng có xu hướng thấp hơn”, bà nói.
Một báo cáo về thị trường việc làm được công bố ngày 7/6 tới đây sẽ cung cấp thêm thông tin chi tiết về hướng đi của thị trường lao động. Đây là mảnh ghép cuối trong bức tranh toàn cảnh mà các nhà hoạch định chính sách phải nhìn vào để điều chỉnh lãi suất và các công cụ khác nhằm kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời không đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Chính sách lãi suất của Fed đã ‘giáng đòn’ mạnh lên đồng yên Nhật như thế nào? 
ECB chấp nhận một quỹ đạo lãi suất riêng biệt với Fed?