Ông Nguyễn Trung Dũng từng kinh doanh mỳ tôm tại Ba Lan sau đó về Việt Nam và thành danh trong lĩnh vực ngành hàng gia vị.
Gần đây, trên trang cá nhân, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Dh Foods, đã chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ về hành trình khởi nghiệp ở tuổi 50 của mình cùng với Dh Foods.
Một trong những câu chuyện được ông Dũng chia sẻ là về đối tác gia công sốt cũ. Đây là một trong những đối tác đầu tiên của Dh Foods, bắt đầu từ một xưởng nhỏ chỉ vài chục mét vuông ở quận 4, chủ yếu làm kho và trộn nguyên liệu. Ban đầu, sự hợp tác rất tốt, đối tác có nhiều ý tưởng sáng tạo, phát triển nhiều sản phẩm mới. Hai bên thỏa thuận rằng đối tác sẽ sản xuất, còn Dh Foods sẽ kinh doanh, không xâm phạm lẫn nhau.
Tuy nhiên, ông Dũng đã tin tưởng đối tác một cách tuyệt đối, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và không chuẩn bị phương án đề phòng. Một lần, đối tác này đã giới thiệu cho Dh Foods một khách hàng từ Mỹ có nhu cầu mua tương ớt Sriracha. Sau vài đơn hàng đầu tiên thuận lợi, Dh Foods còn chia sẻ thêm một phần lợi nhuận cho đối tác. Nhưng sau đó, khách hàng Mỹ này ngừng đặt hàng, và đối tác cấm QC (kiểm soát chất lượng) của Dh Foods vào phòng sản xuất tương ớt.
Mặc dù nhận thấy những dấu hiệu bất thường, Dh Foods vẫn tiếp tục hợp tác với đối tác này. Khi đối tác chuyển sang xưởng mới ở quận 9, họ bắt đầu không cho QC của Dh Foods vào xưởng, chỉ cho kiểm tra thành phẩm ở khu vực kho. Đối tác cũng bắt đầu sản xuất cho khách hàng Mỹ mà họ từng giới thiệu cho Dh Foods.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Dh Foods |
Sau khi tham gia các khóa học quản trị, ông Dũng quyết định kinh doanh thương hiệu riêng và từ chối sự “hỗ trợ” của đối tác trong mảng Marketing và kinh doanh. Đối tác sau đó tự lập nhãn hàng riêng và chào hàng cho khách hàng của Dh Foods, vi phạm hợp đồng gia công. Biết được điều này, Dh Foods quyết định tìm đối tác gia công mới, nhưng do khó khăn, cuối cùng họ quyết định tự sản xuất sốt.
Khoảng tháng 6/2020, Dh Foods thuê xưởng gần khu công nghiệp Lê Minh Xuân và bắt đầu hoàn thiện. Đến cuối năm 2020, xưởng đã sẵn sàng sản xuất thử. Đầu năm 2021, đối tác cũ gửi văn bản dừng hợp tác từ tháng 6/2021, nhưng Dh Foods đã chuẩn bị sẵn sàng và chấp nhận sự chia tay ngay lập tức.
CEO Dh Foods cho rằng nhờ tự sản xuất, công ty phát triển được nhiều sản phẩm mới và duy trì tốc độ tăng trưởng, kể cả trong thời gian đại dịch Covid-19. Tháng 6/2021, Dh Foods tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam, sau đó là chương trình Cơ Hội Cho Ai, giúp nhận diện thương hiệu tăng đột biến.
Trong bài viết, ông Dũng còn cho biết thêm "Năm ngoái có một bạn Mentee khi gặp mình có kể câu chuyện là cũng nhờ chính bên đó gia công sản phẩm bột nêm nấm (do bạn mentee chuyên sản xuất nấm) và sau một thời gian gia công bên đó thông báo dừng hợp tác. Sau một thời gian lại tung ra sản phẩm bột nêm nấm với thương hiệu của họ"," Trái đất thực sự rất tròn" - ông Dũng nhận định.
Trước đó, ông Dũng cũng đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp tại Ba Lan:"Lần đầu khởi nghiệp cũng là lần thất bại nặng nề!".
Năm 1990, nhóm bạn thân của ông gồm 5 người (A, B, C, D, E - ông Dũng là D) quyết định cùng khởi nghiệp. Chỉ có A có giấy tờ nên đứng ra mở công ty, còn lại thỏa thuận miệng là cổ đông với 20% mỗi người, trên giấy tờ chỉ là nhân viên.
Ban đầu, nhóm mua đồ từ cửa hàng nhà nước cũ bán lại với giá gấp 2-3 lần. Công ty phát triển, mở rộng nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ từ Việt Nam. Doanh số tăng mạnh.
Khi công ty kiếm được nhiều tiền, vấn đề nảy sinh. A đề xuất loại B và C khỏi công ty vì cho rằng họ không đóng góp nhiều nhưng cổ phần lại bằng nhau. Ông Dũng không phản đối, và sau đó ông cũng rời đi sau một cuộc tranh cãi với A. Cuối cùng, E cũng rời công ty, nhận bồi thường 500.000 USD, dù công ty đã trị giá nhiều triệu USD.
Ông Dũng kết luận: "Mình vừa thất bại, vừa mất bạn, lại còn nợ đối tác ở Việt Nam một khoản tiền lớn".
Từ câu chuyện của mình, ông Dũng đưa ra lời khuyên cho các startup rằng khi gặp đối tác không trung thực, hãy bình tĩnh tìm giải pháp thay thế, đừng nóng giận và đưa ra quyết định khi vội vàng. Các khó khăn nhất thời sẽ qua đi, quan trọng là doanh nghiệp phải an toàn và phát triển. Hãy tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ, R&D và mở rộng các kênh bán hàng đa dạng. Nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra.
Chân dung người sáng lập nên 'đế chế' giáo dục Nguyễn Hoàng Group 
'Đại gia' mảng giáo dục Nguyễn Hoàng Group 'rao bán' ĐH Hoa Sen và ĐH Hồng Bàng?