Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất phương án đầu tư xây dựng đường sắt kết nối giữa hai quốc gia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 8/4, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt  Trung Quốc (CRCC) - ông Đới Hòa Căn.
Cũng trong buổi tiếp xúc này, hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị CRCC cho biết, với năng lực và uy tín của Tập đoàn, trên tinh thần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước năm 2023, Tập đoàn mong muốn và sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng quà lưu niệm cho Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CRCC.
CRCC - đơn vị tham gia dự án đường sắt Việt Nam - Trung Quốc  là một trong những tập đoàn xây dựng đa ngành, đứng thứ 12 trong số 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc (Xếp hạng năm 2021). Tập đoàn này chiếm ưu thế lớn trong công cuộc xây dựng 36.000km đường sắt cao tốc tại quốc gia này.
Không quá khi CRCC được nhắc đến là tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới khi CRCC sở hữu nhiều công nghệ thi công xây dựng hàng đầu như: ổ đỡ chính cho máy khoan đường hầm (TBM) lớn nhất thế giới, công nghệ nâng hạ nghìn tấn Kunlun có 1-0-2 trên thế giới, công nghệ thay thế cầu đường nhanh nhất thế giới Thái Hằng.
Những "siêu cỗ máy" trên được ví như "viên kim cương" trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp nhiều công trình khủng ở Trung Quốc thi công dễ dàng và nhanh chóng trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Đáng chú ý, cỗ máy được chế tạo bằng vật liệu bền hơn và nhẹ hơn, giúp quá trình vận chuyển đến công trình diễn ra thuận tiện, kĩ sư nhàn hơn.
>> 'Làn sóng' đầu tư hàng trăm nghìn tỷ tất bật thi công cùng siêu sân bay lớn nhất Việt Nam 
Quy mô của các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc
Tuyến đường sắt  mới kết nối với Trung Quốc kể trên dự kiến tổng chiều dài hơn 441km, đi qua 9 tỉnh thành gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (ga Cái Lân).
Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10-11 tỷ USD. Tuyến dự kiến chia thành các tuyến nhỏ như sau.
Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt này dài khoảng 388km, có khổ đường 1.435mm, điểm đầu tại ga Lào Cai, điểm cuối tại cảng Lạch Huyện – Hải Phòng. Đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6km.
Tuyến này được thiết kế 73 cây cầu với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga.
Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt Gia Lâm (Hà Nội) - Đồng Đăng. Ga này sẽ kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang ga Bằng Tường (Trung Quốc).
Tuyến đường sắt khổ lồng này chạy từ Ga Đồng Đăng về đến Ga liên vận quốc tế Gia Lâm (Hà Nội) với chiều dài toàn tuyến 167km. Có toàn bộ 21 ga phục vụ tối đa 19 đôi tàu/ngày đêm.
Hiện trạng của tuyến này đang xuống cấp, xập xệ. Vì vậy, phía Trung Quốc đang nghiên cứu khoản viện trợ không hoàn lại giúp Việt Nam khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này.
Ga này sẽ đảm nhiệm vai trò vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và thị trường ASEAN, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng
Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành tuyến đường sắt từ thành phố Cảng Phòng Thành đến thành phố Đông Hưng giáp biên giới với TP. Móng Cái (Quảng Nịnh). Trong đó, TP. Móng Cái sẽ là trung tâm kết nối của tuyến đường sắt nối liền Việt - Trung.
Điểm cuối tuyến đường sắt tốc độ cao Phòng Thành - Đông Hưng gần với biên giới Việt Nam nên tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng khi hoàn thành sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng  - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc). Mạng lưới đường sắt khép kín sẽ góp phần quan trọng trong gia tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Sau khi tuyến Hạ Long - Móng Cái - Hải Phòng hoàn thành, hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) hứa hẹn phát triển mạnh mẽ.