Trung Quốc áp đảo nhiều cường quốc về bằng sáng chế cho AI tạo sinh, gấp 6 lần nước Mỹ
Trong vòng chưa đầy 10 năm, số lượng bằng sáng chế liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh của “đất nước tỷ dân” đã áp đảo nhiều cường quốc khác, trong đó có Mỹ.
Một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc công bố hôm thứ Năm (4/7) cho thấy Trung Quốc đang thống trị cuộc đua toàn cầu về bằng sáng chế trí tuệ nhân tạo  khi nước này đã nộp hơn 38.000 đơn xin cấp bằng sáng chế từ năm 2014 đến năm 2023.
Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới của Liên hợp quốc cho biết con số này cao hơn gấp 6 lần so với số lượng đơn do các nhà phát minh có trụ sở tại Mỹ đã nộp trong khoảng thời gian đó.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (AI tạo sinh) là một loại trí tuệ nhân tạo cho phép người dùng tạo ra những nội dung như văn bản, hình ảnh, nhạc, âm thanh và video dựa trên các gợi ý.
Trung Quốc vô đối cuộc đua cấp bằng sáng chế cho AI tạo sinh |
Về mặt địa lý, Trung Quốc dẫn đầu với 38.210 phát minh AI tạo sinh trong 9 năm (2014 – 2023) theo thống kê của Liên Hợp Quốc, vượt xa Mỹ (6.276), Hàn Quốc (4.155), Nhật Bản (3.409) và Ấn Độ (1.350) trong top 5.
Theo báo cáo, bằng sáng chế AI tạo sinh hiện chiếm 6% tổng số bằng sáng chế AI trên thế giới.
Báo cáo cho biết: “Sự gia tăng mạnh mẽ trong hoạt động cấp bằng sáng chế phản ánh những tiến bộ công nghệ gần đây và tiềm năng của AI tạo sinh (GenAI)”.
Xếp thứ | Nhà sáng chế AI tạo sinh | Số lượng bằng sáng chế AI tạo sinh |
1 | Tencent | 2.074 |
2 | Bảo hiểm Ping An | 1.564 |
3 | Baidu | 1.234 |
4 | Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc | 607 |
5 | IBM | 601 |
6 | Tập đoàn Alibaba | 571 |
7 | Tập đoàn Thiết bị điện tử Samsung | 468 |
8 | Alphabet (công ty mẹ của Google) | 443 |
9 | Bytedance (công ty mẹ của TikTok) | 418 |
10 | Microsoft | 377 |
Top 10 ứng viên sáng chế AI hàng đầu thế giới từ năm 2014 - 2023 (Nguồn: Liên Hợp Quốc)
Trung Quốc đã tìm cách bắt kịp chủ sở hữu ChatGPT là OpenAI và các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon trong quá trình phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) sau khi đã chậm chân hơn những đối thủ này trong “cuộc cách mạng AI”.
Có thể thấy, ChatGPT đã “gây sốt” trên toàn thế giới khi ra mắt vào tháng 11 năm 2022 vì khả năng tạo ra phản hồi giống như con người.
Năm ngoái, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc bao gồm Alibaba và Baidu đã cho ra mắt chương trình LLM của riêng mình để thách thức các đối thủ đến từ Mỹ.
Trong nỗ lực củng cố sự hiện diện của mình trong cuộc đua công nghệ toàn cầu, vào tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã đưa ra “kế hoạch hành động” kéo dài 3 năm nhằm tăng cường các tiêu chuẩn về chip AI, AI tạo sinh và xây dựng sức mạnh điện toán quốc gia, nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ và kinh tế.
Một robot hình người có tên Xiao Qi được trưng bày trong Triển lãm Tình báo Thế giới 2024 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc gia vào ngày 20/6/2024 tại Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh:VCG/Getty Images) |
Wei Sun, cố vấn cấp cao về nghiên cứu nhân tạo tại Counterpoint Research, phát biểu ở sự kiện “Street Signs Asia” của CNBC hôm 4/7 rằng: “Trung Quốc có một thị trường rộng lớn chưa được khai thác dành cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp, đối tác trong ngành để đổi mới và hỗ trợ đưa công nghệ AI tạo sinh vào các ứng dụng hoặc ngành công nghiệp khác nhau bằng cách sử dụng các tập dữ liệu chuyên biệt khác nhau”.
“Đó chính là chìa khóa để Trung Quốc giành chiến thắng, thực sự triển khai được các ứng dụng thực tế có thể vượt qua Mỹ trong lĩnh vực này”.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dữ liệu hình ảnh và video chiếm ưu thế trong các bằng sáng chế AI tạo sinh với 17.996 phát minh, tiếp theo là văn bản (13.494) và giọng nói hoặc âm nhạc (13.480).
Cơ quan này cho biết, bằng cách phân tích xu hướng và dữ liệu cấp bằng sáng chế, họ muốn giúp các nhà hoạch định chính sách ”định hình sự phát triển của GenAI vì lợi ích chung của chúng ta”.
>> Hưởng lợi từ AI nhưng Google, Meta đều lo sợ rủi ro 
Xe điện Trung Quốc vẫn “làm mưa làm gió” tại châu Âu vì giá rẻ 
Trung Quốc mua mỏ khoáng sản giá chỉ… 2 USD, đi ‘nước cờ cao tay’ ở châu Phi