Trung Quốc có thể 'làm bất cứ điều gì' để vực dậy nền kinh tế, giới đầu tư 'nín thở' chờ sự kiện đặc biệt vào cuối tuần này
Nhà đầu tư đang nín thở khi Bắc Kinh chuẩn bị công bố chính sách mới trong cuối tuần này.
Theo thông báo từ Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính, Lan Fo’an, sẽ tổ chức một buổi họp báo vào lúc 10 giờ sáng ngày 12/7 (theo giờ địa phương) để thảo luận về các chính sách kích thích tài chính tăng cường.
Với việc Bắc Kinh có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong cả năm, một số nhà phân tích tin rằng chính quyền sẵn sàng công bố các biện pháp kích thích tài chính lớn trong sự kiện được mong đợi này, trong khi một số người khác vẫn hoài nghi.
Nhà đầu tư hồi hộp
Sau kỳ nghỉ lễ, nhà đầu tư Trung Quốc háo hức chờ đợi gói kích thích mới tại cuộc họp báo của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC). Tại sự kiện, Chủ tịch NDRC đã cam kết thực hiện nhiều hành động để củng cố nền kinh tế. Tuy nhiên, Zheng Shanjie đã không công bố bất kỳ kế hoạch kích thích lớn mới nào.
Sự kiện này đã khiến kỳ vọng của nhà đầu tư bị dập tắt, đà tăng trưởng dài hạn của thị trường Trung Quốc đại lục chuyển sang những ngày biến động.
Theo Chen Zhao, chiến lược gia toàn cầu hàng đầu tại Alpine Macro, dự đoán Trung Quốc có thể sẽ làm "mọi điều cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế và thúc đẩy hoạt động". Ông cho biết các cơ quan chức năng có khả năng sẽ xác nhận điều này tại buổi họp báo vào thứ Bảy.
Trước kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt các biện pháp kích cầu nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn, bao gồm cắt giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, nới lỏng quy định mua bán bất động sản và hỗ trợ thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Các biện pháp trên nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ thị trường. Chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng hơn 25% trong những phiên giao dịch tiếp theo, cho thấy nhà đầu tư đã lấy lại niềm tin vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều đồng thuận về việc cần có một gói kích thích kinh tế mới, các quan điểm về quy mô và trọng tâm của gói kích thích này lại rất đa dạng. Các con số được đưa ra dao động từ 2-3 nghìn tỷ NDT đến 10 nghìn tỷ NDT (tương đương 282,8 tỷ đến 1,4 nghìn tỷ USD).
Tập trung vào nhu cầu nội địa
Theo ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Morgan Stanley, phát biểu trên chương trình "Street Signs Asia", gói kích thích sẽ tập trung vào việc kích thích nhu cầu nội địa, cụ thể là thông qua các chính sách thúc đẩy tiêu dùng như tăng chi tiêu phúc lợi xã hội, giảm thuế thu nhập cá nhân và các chương trình khuyến khích mua sắm. Bên cạnh đó, gói kích thích  cũng sẽ hỗ trợ tái cấp vốn cho các ngân hàng và tái cấu trúc nợ của chính quyền địa phương.
Trong một lưu ý mới đây, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley dự báo Bộ Tài chính Trung Quốc sẽ công bố gói kích thích tài chính bổ sung trong cuộc họp báo sắp tới. Họ xem đây là "cơ hội thứ hai" để Chính phủ thuyết phục thị trường sau những nỗ lực trước đó không đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng áp lực kỳ vọng hiện tại đang rất lớn.
Hướng dẫn cho năm 2025 là rất quan trọng. Các chuyên gia dự đoán thâm hụt ngân sách có thể tăng thêm từ 2.000 đến 3.000 tỷ NDT, nhưng không nghĩ rằng quy mô gói kích thích sẽ được công bố trước cuối năm 2024, họ bổ sung.
Số tiền hàng nghìn tỷ
Theo Ahya của Morgan Stanley, Bắc Kinh cần công bố một gói kích thích tài chính trị giá 10 nghìn tỷ NDT, nhằm thúc đẩy tiêu dùng và giải quyết tình trạng tồn kho lớn trong thị trường bất động sản.
Ông Ahya nhấn mạnh rằng, "Chúng tôi không khẳng định chắc chắn điều này sẽ xảy ra, nhưng nền kinh tế cần một biện pháp kích thích mạnh mẽ như vậy. Điều này sẽ giúp đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ giảm phát và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư một cách bền vững".
“Bắc Kinh có thể cẩn trọng rằng một gói kích thích khổng lồ sẽ gửi tín hiệu đến công chúng rằng có nhiều vấn đề kinh tế tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, vì vậy họ có thể phát hành chúng thông qua các thông báo nhỏ lẻ”, Ahya nói thêm.
Lần này, giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào tuyên bố của Ting Lu, nhà kinh tế trưởng tại Nomura, khi ông dự đoán gói kích thích mà Bộ Tài chính công bố sẽ dưới 3% GDP của Trung Quốc. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% lên 126 nghìn tỷ NDT trong năm 2023.
Bộ Tài chính có thể cân nhắc việc huy động thêm vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, và các con số cụ thể dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân - cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc.
Reuters đưa tin vào cuối tháng 9 rằng Trung Quốc có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt trị giá khoảng 2 nghìn tỷ NDT (284,42 tỷ USD) trong năm nay, với 1 nghìn tỷ NDT chủ yếu nhằm hồi sinh tiêu dùng nội địa và nửa còn lại hỗ trợ các vấn đề nợ của chính quyền địa phương.
Việc phát hành trái phiếu trị giá 2 nghìn tỷ NDT khó có khả năng đảo ngược nền kinh tế, Zhao của Alpine Macro cho biết, người mà tin rằng gói kích thích tiếp theo cần khoảng 4-5% GDP để đảo ngược sự thiếu hụt nhu cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, một cựu quan chức chính trị của Trung Quốc đã ‘dội gáo nước lạnh’ vào hy vọng của Zhao khi cho rằng quá trình phê duyệt các thay đổi chính sách tài chính thường rất phức tạp và tốn thời gian.
Ông Dong Yu, một cựu quan chức của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, hiện đang là phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc tại Đại học Tsinghua, đã chia sẻ với truyền thông địa phương rằng một gói kích thích tài chính quy mô lớn chắc chắn sẽ được triển khai, nhưng cần phải kiên nhẫn chờ đợi.
Theo CNBC
>> Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái, kéo tụt khu vực Đông Á và Thái Bình Dương
Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái, kéo tụt khu vực Đông Á và Thái Bình Dương 
Kinh tế Trung Quốc ảm đạm làm giảm chi tiêu trong dịp ‘Tuần lễ Vàng’