Trung Quốc đột phá về chip phát hiện bức xạ hạt nhân
Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) tuyên bố đã bắt đầu sản xuất hàng loạt vi xử lý có khả năng phát hiện bức xạ tia X và tia Gamma.
Đây là loại chip đầu tiên trên thế giới có khả năng này, đánh dấu đột phá của Trung Quốc trong phát triển công nghệ bán dẫn.
Trên kênh WeChat chính thức của CNNC, nhà phát triển cho biết con chip do họ tự nghiên cứu và sản xuất, có khả năng đo liều bức xạ tia X và tia Gamma trong phạm vi từ 100 nanoSievert mỗi giờ đến 10 milliSievert mỗi giờ.
NanoSievert (nSv) là đơn vị đo liều bức xạ ion hóa trong hệ thống đơn vị quốc tế SI, tương đương một phần tỷ của một Sievert (Sv) - đơn vị tiêu chuẩn phản ánh mức độ ảnh hưởng sinh học của bức xạ ion hóa lên cơ thể con người.
Ví dụ, liều tiếp xúc bức xạ điển hình khi bay trên máy bay thương mại là khoảng 3.000 nSv mỗi giờ. Thậm chí, một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương có thể gây ra liều bức xạ khoảng 40.000 nSv.
Trong khi đó, bức xạ nền tự nhiên mà một người nhận trong một năm rơi vào khoảng 2.400.000 nSv, tương đương 2,4 milliSievert.
CNNC cho biết con chip này có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như theo dõi liều bức xạ tại các nơi làm việc liên quan đến hạt nhân hay các công việc về môi trường và con người khác.
Với mỗi ứng dụng, người dùng cần điều chỉnh mạch dựa trên hướng dẫn chi tiết của nhà sản xuất.
Nhà phát triển nói rằng vi xử lý này cũng có thể được tích hợp vào điện thoại thông minh và máy bay không người lái để hoạt động như một cảm biến bức xạ.
Theo công bố, độ nhạy của sản phẩm tương đương với máy đo Geiger-Muller đang được sử dụng rộng rãi trong đo lường môi trường, mặc dù có kích thước nhỏ hơn, chỉ 15mm x 15mm x 3mm.
(Theo SCMP)
>>Xiaomi gây chấn động với chip 3nm 'không cần' EUV, Trung Quốc vượt trội trong công nghệ bán dẫn
Sẵn 2 địa điểm ‘quý và hiếm’ tại Việt Nam, làm điện hạt nhân giúp giảm phát thải 
Địa điểm "khó lựa chọn thay thế" nếu làm điện hạt nhân ở Việt Nam