Dự án Siberia 2 cung cấp sẽ trở thành “phao cứu sinh” cho tập đoàn khí đốt hàng đầu nước Nga Gazprom trong bối cảnh Moscow đang ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng từ nước láng giềng.
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết nỗ lực hoàn tất thỏa thuận về 1 đường ống dẫn khí đốt  khổng lồ với Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt sau khi Nga đánh giá phía Bắc Kinh có những yêu cầu vô lý về mức giá cũng như nguồn cung.
Sự cứng rắn của Trung Quốc  đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Siberia 2 cho thấy Nga đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ kinh tế từ đồng minh và đang gặp phải một số bất lợi. Theo đó, Trung Quốc chỉ cam kết mua một phần nhỏ trong tổng công suất 50 tỷ m3 hàng năm (theo dự kiến). Hơn nữa Bắc Kinh còn muốn trả mức giá chỉ ngang bằng với giá trên thị trường nội địa của Nga – vốn ở mức thấp vì Nga trợ cấp mạnh mẽ cho ngành năng lượng trong nước.
Nếu được thông qua, đường này sẽ thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Tập đoàn Gazprom  khi trực tiếp kết nối thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng với những mỏ khí đốt ở miền Tây nước Nga. Trước đây những mỏ này chủ yếu cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng cánh cửa đã “đóng sầm lại” sau khi Nga đưa quân tới Ukraine. Năm ngoái Gazprom lỗ tổng cộng 629 tỷ rúp (tương đương 6,9 tỷ USD), nặng nhất trong ít nhất là 25 năm trở lại đây.
Hiện Gazprom đã có đường ống Power Of Siberia nối tới Trung Quốc |
Mặc dù Nga tự tin sẽ đạt được thỏa thuận về Siberia 2 “trong thời gian ngắn”, nguồn tin thân cận cho biết những bất đồng nêu trên cũng là lý do khiến Alexei Miller, CEO của Gazprom, không gia nhập đoàn quan chức cùng với Tổng thống Putin trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Bắc Kinh hồi tháng trước. Thay vào đó, ông Miller đã tới Iran.
Siberia 2 là một trong 3 vấn đề chính được ông Putin đưa ra bàn luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy hoạt động của các ngân hàng Trung Quốc ở Nga và vấn đề Ukraine. Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo sẽ không tham dự 1 hội nghị về hòa bình do Ukraine tổ chức sẽ diễn ra ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo ông Alexander Gabuev, Giám đốc 1 think tank ở Berlin (Đức), về mặt chiến lược thì Trung Quốc sẽ cần đến khí đốt của Nga như một nguồn cung không bị phụ thuộc vào những con đường vận tải biển sẽ bị ảnh hưởng nếu có xung đột nổ ra ở khu vực đảo Đài Loan hay Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ đòi hỏi mức giá rất rẻ và các điều kiện hết sức linh hoạt.
Trung Quốc ở "cửa trên"?
Ước tính nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng từ dưới 170 tỷ m3 trong năm 2023 lên khoảng 250 tỷ m3 vào năm 2030. Con số này hoàn toàn có thể được đáp ứng bằng nguồn cung LNG và các đường ống khí đốt hiện có. Tuy nhiên đến năm 2040 Trung Quốc có thể thiếu hụt khoảng 150 bcm.
Cũng theo ông Gabuev, vì không có lựa chọn thay thế để có thể xuất khẩu khí đốt qua con đường ống dẫn trên đất liền, nhiều khả năng Gazprom sẽ phải chấp nhận các điều kiện từ phía Trung Quốc. Thời gian đang đứng về Trung Quốc bởi nước này hoàn toàn có thể đợi tới thời cơ tốt nhất trong khi Nga không còn nhiều thời gian như vậy.
Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Gazprom chủ yếu dựa vào việc bán khí đốt cho châu Âu ở mức giá cao để trợ giá cho thị trường nội địa. Và trên thực tế thì Trung Quốc vẫn đang mua khí đốt từ Nga ở mức giá rẻ hơn so với các nhà cung ứng khác. Trung bình giá chỉ ở mức 4,4 USD trên mỗi triệu BTU, trong khi giá khí đốt nhập khẩu từ Myanmar và Uzbekistan lần lượt là 10 USD và 5 USD trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Cùng trong những năm đó, Nga xuất khẩu sang châu Âu ở mức giá 10 USD trên mỗi triệu BTU.
Năm 2023, Gazprom chỉ xuất khẩu 22 tỷ m3 sang châu Âu, bằng 1/10 so với thập kỷ trước đó. Con số dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm mạnh bởi cuối năm nay 1 thỏa thuận xuất khẩu với Ukraine sẽ hết hạn.