Trung Quốc mới có công nghệ 'hồi sinh' pin: Dùng 18 năm vẫn như mới
Công nghệ pin đột phá của Đại học Phúc Đán giúp kéo dài tuổi thọ lên đến 18 năm mà vẫn duy trì hiệu suất 96%.
Các nhà khoa học tại Đại học Phúc Đán (Fudan), Thượng Hải vừa công bố một bước đột phá trong công nghệ pin lithium-ion, giúp kéo dài tuổi thọ lên đến 60.000 chu kỳ sạc-xả cao gấp hàng chục lần so với pin thông thường. Công nghệ này không chỉ mở ra kỷ nguyên mới cho pin xanh bền vững mà còn hứa hẹn tác động mạnh mẽ đến ngành xe điện, điện thoại thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng toàn cầu.
![]() |
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên Nature và hiện đang hợp tác với một công ty pin hàng đầu tại Trung Quốc để thử nghiệm trên các thiết bị thực tế. Ảnh minh hoạ |
Theo China Daily, nhóm nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán đã phát triển một công nghệ giúp pin lithium-ion duy trì hiệu suất gần như mới ngay cả sau 12.000 chu kỳ sạc-xả. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các lĩnh vực như xe điện, điện thoại thông minh và hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn.
Hiện nay, pin xe điện thường có tuổi thọ từ 1.000 đến 1.500 chu kỳ sạc-xả, tương đương khoảng 6-8 năm sử dụng. Ngoài ra, nhiệt độ lạnh có thể khiến pin xuống cấp nhanh hơn. Với công nghệ  mới, tuổi thọ của pin có thể kéo dài từ 12.000 đến 60.000 chu kỳ, một con số vượt xa tiêu chuẩn hiện nay.
Dưới sự chỉ đạo của hai nhà khoa học Peng Huisheng và Gao Yue, nhóm nghiên cứu đã phát triển một phân tử mang lithium-ion mới, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và điện hóa hữu cơ. Phân tử này có khả năng bổ sung các ion lithium đã mất, giúp pin khôi phục dung lượng thay vì bị loại bỏ sau một thời gian sử dụng.
Ông Gao Yue cho biết, phân tử này có thể được "tiêm" vào pin đang xuống cấp để bổ sung chính xác lượng ion lithium bị hao hụt. Cấu trúc của nó khá đơn giản: một đầu mang electron lithium, trong khi phần còn lại đóng vai trò như phương tiện vận chuyển. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, thành phần vận chuyển này sẽ phân hủy và thoát ra dưới dạng khí, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đang thử nghiệm vật liệu pin không chứa ion lithium, mở ra khả năng sản xuất pin thân thiện hơn với môi trường, không phụ thuộc vào kim loại nặng.
Theo ông Đỗ Cao Bảo, một chuyên gia công nghệ, pin lithium-ion thông thường có tuổi thọ khoảng 2.000 chu kỳ sạc. Trong khi đó, pin mới của Đại học Phúc Đán sau 11.818 chu kỳ sạc chỉ giảm 4% hiệu suất. Điều này đồng nghĩa với việc nếu một chiếc xe điện sạc hai lần mỗi ngày, sau 18 năm sử dụng, pin vẫn giữ được 96% hiệu suất trong khi pin lithium hiện tại mất đến 30% hiệu suất chỉ sau 2,7 năm.
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện của họ trên Nature và hiện đang hợp tác với một công ty pin hàng đầu tại Trung Quốc để thử nghiệm trên các thiết bị thực tế.
Không chỉ mang lại hiệu suất cao và chi phí thấp hơn, công nghệ pin mới của Đại học Phúc Đán còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nền kinh tế xanh. Sự phát triển này, cùng với các công nghệ tiên tiến khác như Deepseek, đang giúp Trung Quốc dần chuyển mình từ một "vua sao chép" trở thành một "người tiên phong sáng tạo" trong lĩnh vực công nghệ cao.