Trung Quốc sản xuất thừa mứa một mặt hàng, đe dọa doanh nghiệp Việt
Mặc dù sản lượng thép của Việt Nam đang dẫn đầu ASEAN nhưng các doanh nghiệp vẫn chi hơn 19 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép và các sản phẩm liên quan trong năm 2024 đạt 19,07 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2023. Trong số đó, kim ngạch nhập khẩu thép thô đạt 12,58 tỷ USD với khối lượng 17,71 triệu tấn, tăng đến 32,9%.
Các sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất bao gồm thép cuộn, thép tấm, thép mạ kẽm, thép thanh và dây thép. Trong đó, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu đạt 12 tỷ USD, tăng đến 32,2% so với năm trước.
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc đạt 1,96 tỷ USD (tăng 9,5%), Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD (tăng 2,1%).
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 12 thế giới và đầu khu vực ASEAN về sản lượng thép, ước tính đạt 30 triệu tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội địa đang gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt từ thép nhập khẩu.
Thép ngoại rẻ khiến thép nội gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa |
>>Trung Quốc nghỉ Tết, Việt Nam dừng thông quan hàng hóa nhiều cửa khẩu 
Nguyên nhân chính là giá bán thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, thấp hơn từ 30 đến 70 USD/tấn so với các quốc gia khác. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thừa thép, khi tiêu thụ nội địa giảm buộc các nhà sản xuất nước này đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sự sụt giảm trong ngành bất động sản, giá nguyên liệu tăng và tồn kho lớn cũng đã góp phần làm suy giảm khả năng tiêu thụ trong nội địa.
Trước tình trạng thép nhập khẩu tràn lan, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Các sản phẩm đang được xem xét bao gồm thép cuộn cán nóng (HRC) và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG). Dự kiến, các biện pháp thuế mới này sẽ được áp dụng từ năm 2025, nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Theo Chứng khoán MB (MBS), việc áp dụng thuế chống bán phá giá sẽ giúp giảm chênh lệch giá giữa thép trong nước và nhập khẩu. Các sản phẩm như thép cuộn cán nóng HRC và thép mạ kẽm HDG sẽ trở nên cạnh tranh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim gia tăng thị phần.
Trong năm 2025, nếu các biện pháp thuế được đặt ra, các doanh nghiệp thép nội địa sẽ có cơ hội lớn để tăng trưởng. Được biết, thị phần thép cuộn cán nóng HRC của Hòa Phát dự kiến đạt 25%. Đối với thép mạ kẽ HDG, Hoa Sen và Nam Kim được cho là sẽ nắm giữ 40% thị phần.
>>Xuất khẩu lập kỷ lục 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất? 
Một doanh nghiệp ngành thép bất ngờ báo lãi quý IV gấp 4 cùng kỳ 
Cập nhật KQKD quý IV/2024 mới nhất: Xuất hiện thêm doanh nghiệp thép báo lãi gấp 4 lần