Thế giới

Trung Quốc sẽ 'chơi đến cùng' với Mỹ, căng thẳng kinh tế tới đâu?

Mạnh Hà 17/02/2025 15:39

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Bắc Kinh sẽ phản ứng kiên quyết với các hành vi 'bắt nạt đơn phương' và cảnh báo Trung Quốc sẽ 'chơi đến cùng' nếu Mỹ quyết tâm chèn ép. Căng thẳng kinh tế đã lên tới mức nào?

Theo SCMP, tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức hôm 14/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những tuyên bố mạnh mẽ nhắm tới Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump ra những đòn thuế đầu tiên áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Ông Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ "chơi đến cùng" nếu Mỹ kiên quyết gây sức ép dù Bắc Kinh không muốn xung đột với Washington.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp 10% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi đầu tháng 2. Trung Quốc sau đó cũng tung đòn đáp trả: áp mức thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số xe nhập khẩu...

Sự trỗi dậy rúng động của Trung Quốc

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Sự trỗi dậy của Trung Quốc rất mạnh mẽ, tăng trưởng thường xuyên duy trì ở mức hai con số trong nhiều năm.

Trung Quốc đã trở thành “công xưởng sản xuất của thế giới” và có những chuỗi cung ứng hoàn thiện. Công nghệ của quốc gia này đổi mới chóng mặt, với tham vọng vượt Mỹ về đổi mới sáng tạo.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc gây chú ý với cả thế giới.

Ông Donald Trump ngay nhiệm kỳ 1 đã khởi động một loạt hành động từ thương mại, tiền tệ cho tới công nghệ. Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ. Huawei, TikTok và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc khác liên tục bị kiểm soát gắt gao tại thị trường Mỹ. Mỹ và nhiều nước phương Tây đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc về kinh tế và chính trị cũng gia tăng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Gần đây, sự phát triển của Trung Quốc mới khiến thế giới thực sự quan ngại. Chỉ khoảng hai tuần sau khi ông Trump nhậm chức (hôm 20/1), Trung Quốc đã làm rúng động thế giới công nghệ, khiến các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ bốc hơi cả nghìn tỷ USD sau khi DeepSeek và Alibaba ra mắt hai nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek R1 và Alibaba Qwen.

VuongNghi SCMP.jpg
Tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức hôm 14/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có những tuyên bố mạnh mẽ nhắm tới Mỹ. Ảnh: SCMP

Hai nền tảng này được xem là “cơn địa chấn”, có nhiều điểm được đánh giá vượt trội so với những nền tảng của Mỹ vốn làm mưa làm gió trên thị trường AI khoảng 2 năm trước đó. Đó là khả năng suy luận không thua kém, mã nguồn mở đầy linh hoạt và chi phí cực thấp, chỉ bằng phần lẻ so với những gì mà các tập đoàn Mỹ đã bỏ ra. Niềm tin rằng công nghệ AI của Mỹ bỏ xa Trung Quốc đang bị lung lay hơn bao giờ hết.

Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ dồn dập họp để đánh giá tình hình. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức đưa ra lời khẳng định sự trỗi dậy bất ngờ của ứng dụng trí tuệ nhân tạo DeepSeek từ Trung Quốc "nên là lời cảnh tỉnh" (wakeup call) đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Tại Hội nghị an ninh Munich ở Đức hôm 14/2, ông Vương Nghị đã dẫn lại câu nói nổi tiếng của Trung Quốc "Trời dịch chuyển mạnh mẽ, người quân tử tự cường phấn đấu vươn lên không ngừng nghỉ"... và gợi ý nếu thấy khó dịch hiểu ý nghĩa câu này thì “có thể nhờ DeepSeek” của Trung Quốc giúp đỡ.

Căng thẳng lên cao chưa từng có, ông Trump sắp có cuộc đối đầu quyết định?

Trước đó, trong nhiệm kỳ 1 của ông Trump và thời ông Joe Biden làm tổng thống, Mỹ đã liên tiếp có những biện pháp hạn chế các công nghệ tiên tiến có thể bán sang Trung Quốc nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc phát triển chip công nghệ cao, trong đó có cả các chip dùng cho các ứng dụng quân sự của Bắc Kinh.

Bắc Kinh cho rằng các biện pháp hạn chế như vậy là một phần kế hoạch lâu dài nhằm kiềm chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.

Giờ đây, căng thẳng dường như dữ dội hơn. Và rất có thể nước Mỹ dưới thời ông Trump đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu quyết định, qua đó xác định ai sẽ dẫn dắt trật tự thế giới mới. Công nghệ được xem là cuộc chiến khốc liệt nhất.

Trong tuần qua, Hội nghị an ninh Munich đã chứng kiến những sự kiện chấn động. Đó là những chỉ trích từ Phó Tổng thống Mỹ, ông JD Vance, đối với các nước đồng minh châu Âu. Thứ hai là đề xuất của Mỹ về việc Ukraine cung cấp 50% khoáng sản đất hiếm như một hình thức trả nợ cho viện trợ quân sự. Đó còn là thông tin về một cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine mà không có sự tham gia trực tiếp của châu Âu.

Hôm 15/2, Keith Kellogg - đặc phái viên của ông Trump - thông báo rõ ràng rằng Mỹ sẽ đàm phán với Nga nhằm tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không có các quan chức châu Âu và Ukraine.

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận khoáng sản với Ukraine, Mỹ cũng tính tới việc gia tăng ảnh hưởng các vùng đất giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược như kênh đào Panama, đảo Greenland...

Trước đó, hôm 12/2, ông Trump cho biết đã có cuộc điện đàm "dài và hiệu quả cao" với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong đó, đã thảo luận về vấn đề Ukraine, Trung Đông, năng lượng, AI, sức mạnh của đồng USD và các vấn đề khác.

Vậy điều gì đang diễn ra?

Những động thái mới nhất cho thấy ông Trump cũng đang giảm bớt những cam kết ở EU, tại Ukraine cũng như ở Trung Đông. Nhà Trắng cũng xem xét lại việc hợp tác với Nga như một đối tác chiến lược nhằm cân bằng quyền lực trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Chính sách thương mại không khoan nhượng cho thấy Mỹ có vẻ như đang nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, để giảm sự lệ thuộc vào các nền kinh tế khác, đẩy mạnh phải tự chủ và chi phối chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine sẽ giúp Mỹ giảm ngân sách viện trợ, đồng thời có thể có những lợi ích về kinh tế, đặc biệt khoáng sản quan trọng như đất hiếm - mà vốn Mỹ phải nhập khoảng 70% từ Trung Quốc.

Xung đột Nga-Ukraine nếu chấm dứt sẽ giúp châu Âu và Nga thoát áp lực và giá cả hàng hóa, nhiên liệu, lương thực... có thể giảm mạnh. Nhiều chuỗi cung ứng được nối lại. Lạm phát hạ nhiệt, mở ra dư địa cho Washington đẩy mạnh cuộc chiến thương mại toàn cầu, hướng tới một hệ thống liên minh mới để đối phó hiệu quả nhất với Trung Quốc. Hiện Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, là mối đe dọa an ninh, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và ảnh hưởng toàn cầu.

Cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung ở nhiều phương diện đang diễn ra. Cuộc cạnh tranh này có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ, định hình trật tự thế giới trong thế kỷ 21. Nó cũng rất khó đoán do những thay đổi và khác biệt ở chính nội tại các nước (như Mỹ), giữa các đồng minh và giữa các đối thủ.

>> Ukraine bàn với Trung Quốc, châu Âu gấp rút nhóm họp sau khi bị Mỹ gạt ra

Ukraine bàn với Trung Quốc, châu Âu gấp rút nhóm họp sau khi bị Mỹ gạt ra

THẾ GIỚI 24H: Ukraine cảnh báo nguy cơ ‘bị đứng ngoài’ trong đàm phán với Nga, tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/trung-quoc-se-choi-den-cung-voi-my-cang-thang-kinh-te-da-toi-muc-nao-2371927.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trung Quốc sẽ 'chơi đến cùng' với Mỹ, căng thẳng kinh tế tới đâu?
    POWERED BY ONECMS & INTECH