Thị trường

Trung Quốc siết nhập khẩu, Mỹ bất ngờ tìm thấy 'phao cứu sinh' cho một mặt hàng nông sản quan trọng

Hồng Hà 28/04/2025 19:00

Theo phân tích của S&P Global Commodity Insights, Mỹ dự kiến tăng diện tích trồng loại nông sản này thêm 3,2 triệu mẫu lên 93,5 triệu mẫu trong vụ mùa 2025.

Trong bối cảnh Trung Quốc bất ngờ siết nhập khẩu ngô và đậu tương từ Mỹ, Nhật Bản nhanh chóng trở thành "cứu tinh" tiềm năng cho nông sản Mỹ, thúc đẩy đàm phán thương mại và đảm bảo an ninh năng lượng sinh học.

Nhật Bản hiện là khách hàng lớn nhất của ngô Mỹ tại khu vực châu Á, chiếm khoảng 78-80% lượng ngô nhập khẩu tính đến năm 2024, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Loại nông sản này chủ yếu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng thời là nguyên liệu chủ lực trong sản xuất bioethanol – nhiên liệu sinh học ngày càng được Tokyo ưu tiên phát triển trong chiến lược giảm phát thải.

Trung Quốc, quốc gia từng tiêu thụ lượng lớn ngô và đậu tương Mỹ, gần đây đã hạn chế mạnh tay việc nhập khẩu hai mặt hàng này, như một phần của đòn đáp trả trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Dữ liệu từ Reuters cho thấy, nhập khẩu ngô của Trung Quốc từ Mỹ trong quý I/2024 đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn tin cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đang ưu tiên mua ngô từ các nguồn thay thế như Brazil và Ukraine để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

Trung Quốc siết nhập khẩu, Mỹ bất ngờ tìm thấy 'phao cứu sinh' cho một mặt hàng nông sản quan trọng
Ngô Mỹ tìm được đầu ra mới khi Trung Quốc siết nhập khẩu. Ảnh minh họa

>> Một trong những mặt hàng nông sản mang lại ngoại tệ lớn nhất cho Mexico vừa bị Mỹ áp thuế gần 21%

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản nổi lên như một thị trường then chốt có thể bù đắp phần nào lượng tiêu thụ sụt giảm của Mỹ. Chính phủ Tokyo được cho là đang cân nhắc tăng nhập khẩu ngô và đậu tương Mỹ, đồng thời coi đây như một "con bài chiến lược" trong các cuộc đàm phán thuế quan với Washington.

"Thật không may, sản lượng nội địa không đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Việc tăng nhập khẩu là cần thiết và hoàn toàn hợp lý", Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Hiroshi Moriyama phát biểu cuối tuần qua.

Ngoài nhu cầu thức ăn chăn nuôi, bioethanol sản xuất từ ngô đang ngày càng đóng vai trò quan trọng tại Nhật Bản. Theo Nikkei Asia, Tokyo đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bioethanol pha vào xăng từ mức 3% hiện tại lên 10% vào năm tài chính 2030, nhằm thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon.

Mỹ và Brazil hiện là hai nguồn cung bioethanol chính cho Nhật Bản, với Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhờ nguồn ngô dồi dào. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã nhiều lần kêu gọi Tokyo mở rộng sử dụng bioethanol trong bối cảnh Mỹ nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu năng lượng tái tạo.

Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ tháng 2/2025, bioethanol cùng với khí LNG và amoniac đã được đưa vào chương trình nghị sự như các lĩnh vực hợp tác chiến lược nhằm củng cố an ninh năng lượng và thương mại song phương. "Việc mở rộng nhập khẩu bioethanol và LNG giúp Nhật Bản ổn định nguồn cung năng lượng, đồng thời hỗ trợ Mỹ thu hẹp thâm hụt thương mại", Thủ tướng Shigeru Ishiba phát biểu.

Theo phân tích của S&P Global Commodity Insights, Mỹ dự kiến tăng diện tích trồng ngô thêm 3,2 triệu mẫu lên 93,5 triệu mẫu trong vụ mùa 2025, trong khi diện tích trồng đậu tương giảm khoảng 4,3%, còn 83,3 triệu mẫu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu xuất khẩu sang Trung Quốc và Mexico không được cải thiện, nguồn cung ngô dư thừa sẽ gây áp lực lớn lên giá cả. Sàn CBOT đã ghi nhận dấu hiệu suy giảm nhẹ trong giá ngô kỳ hạn cho năm 2025, phản ánh tâm lý lo ngại này.

"Việc tái cơ cấu cây trồng thể hiện niềm tin vào nhu cầu bioethanol và xuất khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu thị trường xuất khẩu không mở rộng đủ nhanh", theo nhận định của các chuyên gia từ Rabobank.

>> Lào xuất khẩu thành công một mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc, cạnh tranh với Việt Nam

Lào xuất khẩu thành công một mặt hàng thủy sản sang Trung Quốc, cạnh tranh với Việt Nam

Robot hình người của Tesla bị gián đoạn sản xuất do Trung Quốc siết xuất khẩu 1 mặt hàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trung-quoc-siet-nhap-khau-my-bat-ngo-tim-thay-phao-cuu-sinh-cho-mot-mat-hang-nong-san-quan-trong-288107.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trung Quốc siết nhập khẩu, Mỹ bất ngờ tìm thấy 'phao cứu sinh' cho một mặt hàng nông sản quan trọng
    POWERED BY ONECMS & INTECH