Trung Quốc và EU có thể thiệt hại nhiều nhất sau khi ông Trump đắc cử
Những kế hoạch thuế nhập khẩu mà ông Trump cam kết dự kiến sẽ tạo áp lực lớn cho thương mại toàn cầu, đe dọa các ngành công nghiệp chủ chốt và tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia.
Nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ như Trung Quốc, Mexico, và Liên minh châu Âu (EU) được dự báo sẽ chịu nhiều thiệt hại nếu ông Trump thực hiện các chính sách bảo hộ thương mại đã cam kết.
Vào chiều ngày 6/11, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã vượt qua đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris để trở thành Tổng thống Mỹ . Toàn thế giới đều theo dõi sát sao cuộc bầu cử này vì các chính sách của ông Trump được dự đoán sẽ tác động mạnh mẽ tới không chỉ kinh tế Mỹ  mà còn cả kinh tế toàn cầu.
Nếu thực hiện theo kế hoạch của mình, ông Trump sẽ gần như thay đổi hoàn toàn các chính sách của chính quyền hiện tại. Các nhà phân tích đã nêu ra một số nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng mạnh nhất khi ông Trump chính thức trở thành Tổng thống.
Trung Quốc
Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ về kinh tế, là quốc gia được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Trong khi bà Harris không có ý định thay đổi chính sách hiện tại với Trung Quốc, thì ông Trump lại muốn áp thuế cao lên tất cả hàng hóa nhập khẩu. Trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ áp thuế 10-20% với hàng nhập khẩu từ các nước và riêng Trung Quốc sẽ chịu mức thuế tới 60%.
Năm 2018, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế 25% lên 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm như pin năng lượng mặt trời, máy giặt, thép và nhôm. Đáp lại, Bắc Kinh cũng đưa ra các biện pháp tương tự.
Dù chiến tranh thương mại từng khiến kinh tế Trung Quốc chịu áp lực, tác động này đã được kiểm soát khi xuất khẩu của nước này tăng mạnh trở lại trong đại dịch. Nhiều công ty xuất khẩu Trung Quốc đã tìm được các thị trường mới với sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Tuy nhiên, nếu ông Trump thắng cử, một vòng chiến tranh thương mại mới có khả năng sẽ khốc liệt hơn. Mức thuế 60% sẽ gây tổn thất nặng nề cho Trung Quốc, quốc gia hiện xuất khẩu hơn 400 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ mỗi năm.
Ngành công nghệ Trung Quốc cũng phải chịu sức ép mạnh mẽ nếu ông Trump đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt hơn. Trong nhiệm kỳ trước, ông đã áp thuế và trừng phạt nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có SMIC và Huawei.
Nhà kinh tế trưởng Patrick Zweifel tại Pictet Asset Management cho biết nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu với toàn bộ hàng Trung Quốc lên 60%, tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á này có thể giảm thêm 1,4% xuống còn 3,4% vào năm sau.
UBS dự báo mức thuế của ông Trump sẽ khiến tăng trưởng Trung Quốc giảm 2,5% trong 12 tháng đầu tiên. Nhưng nếu Bắc Kinh đáp trả, mức giảm sẽ chỉ còn 1,5%.
Tuy nhiên, Tong Zhao - nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace - tuyên bố Trung Quốc đã có sẵn kế hoạch ứng phó, bao gồm việc thúc đẩy tự chủ kinh tế và công nghệ, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước như Nga.
Liên minh châu Âu (EU)
Theo số liệu từ Eurostat, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU với kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng áp thuế 10% và 25% với nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ với lý do an ninh quốc gia.
Hiện tại, nếu ông tiếp tục tăng thuế nhập khẩu lên 10% với tất cả hàng hóa, kinh tế châu Âu có thể chịu cú sốc nghiêm trọng.
Ngân hàng ABN AMRO (Hà Lan) nhận định, tác động của việc này có thể tương đương cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu sau cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022.
Viện kinh tế IW (Đức) dự báo nếu ông Trump áp thuế 20% với hàng hóa từ EU và khối này đáp trả, GDP khu vực đồng euro có thể giảm 1,3% trong giai đoạn 2027-2028.
Các ngành công nghiệp chủ chốt của EU như máy móc, ô tô và hóa chất - chiếm 68% xuất khẩu của EU sang Mỹ - sẽ chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là nền kinh tế Đức.
Ngoài ra, Goldman Sachs ước tính nếu ông Trump áp dụng thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu (20% với hàng Trung Quốc), đồng euro có thể giảm 8 - 10% so với đồng USD. Trường hợp Mỹ chỉ tăng thuế với hàng Trung Quốc, đồng euro sẽ giảm khoảng 3%.
Mexico
Chiều ngày 6/11, đồng peso Mexico đã giảm 3% sau khi ông Trump tuyên bố thắng cử, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Mexico, nước láng giềng quan trọng của Mỹ, dự kiến sẽ đối mặt với các rào cản thương mại lớn dưới thời ông Trump. Chris Turner, Giám đốc thị trường của ING, cho rằng năm 2025 có thể là “năm khó khăn với peso” nếu vị Tổng thống mới xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) vào kỳ đánh giá năm 2026.
Trong chiến dịch vận động trước đó, ông Trump đe dọa sẽ áp thuế 200% với xe nhập khẩu từ Mexico để bảo vệ ngành ô tô Mỹ, trong bối cảnh nhiều hãng xe lớn chọn sản xuất xe tại đây để tận dụng chi phí thấp. Năm ngoái, Mexico xuất khẩu 3 triệu xe sang Mỹ, trong đó một nửa là của các hãng GM, Ford và Stellantis.
Ông Trump đầu tuần này cũng tuyên bố sẽ áp thuế 25-100% với hàng hóa từ Mexico trừ khi nước này đóng cửa biên giới với Mỹ để ngăn nhập cư. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ hiện nhập khẩu 476 tỷ USD hàng hóa từ Mexico, với mức thuế nhập khẩu rất thấp.
Nếu các chính sách của ông Trump được thực hiện, Mexico, Trung Quốc và EU có thể phải điều chỉnh mạnh mẽ để thích nghi với môi trường thương mại mới đầy thách thức.
Tổng hợp