Chuyên gia: Fed có mạnh tay hạ lãi suất cũng khó ‘cứu’ nền kinh tế
Nền kinh tế hiện đang đối mặt với những thách thức khác so với các chu kỳ hạ lãi suất trước đây.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)  thường sử dụng việc cắt giảm lãi suất  như một biện pháp không thể thiếu để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, theo Lisa Shalett, Giám đốc Đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management, thị trường đừng mong đợi các đợt cắt giảm lãi suất lần này sẽ cứu nền kinh tế như những lần trước đây.
Các nhà đầu tư có thể đã phản ứng tích cực sau đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản đầu tiên sau cuộc họp tháng 9, nhưng Shalett cho rằng các đợt cắt giảm lãi suất đã phần lớn được tính đến từ trước. Bên cạnh thị trường chứng khoán, nhiều bộ phận của nền kinh tế hiện nay không còn quá nhạy cảm với việc hạ lãi suất và sẽ không thấy nhiều lợi ích từ đó.
Nền kinh tế hiện nay đối mặt với những thách thức khác so với các chu kỳ cắt giảm trước đây. Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, bà Shalett đã chia sẻ những điều nên và không nên mong đợi từ chu kỳ cắt giảm lần này.
3 lý do việc cắt giảm lãi suất sẽ không quá hiệu quả
Thứ nhất, các công ty hiện nay nắm giữ nhiều tiền mặt hơn, dẫn đến bảng cân đối tài chính mạnh mẽ hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều công ty đã “chốt” vay tiền với lãi suất thấp và không phải lo lắng về việc lãi suất tăng.
Theo Lisa Shalett, chi phí vốn trung bình của các công ty lớn nhất trên thị trường (như các công ty thuộc chỉ số S&P 500) chỉ ở mức 4,2%. Nghĩa là, vì họ có ít nợ hơn và ít phải trả lãi suất, nên các công ty này không bị ảnh hưởng nhiều khi lãi suất thay đổi. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất sẽ không mang lại lợi ích lớn cho họ như trong các chu kỳ trước đây.
Thứ hai, tiêu dùng của hộ gia đình cũng cho thấy lợi ích từ việc cắt giảm lãi suất đã không còn quá nhiều. Theo Shalett, tài sản của các hộ gia đình Mỹ tập trung không đồng đều, với 40% hộ gia đình đứng đầu chiếm 2/3 tổng mức tiêu dùng.
Đối với những hộ có tiết kiệm ròng (nhiều tiền tiết kiệm hơn số tiền nợ), lãi suất cao thực tế lại có tác dụng kích thích, vì họ nhận được mức lãi cao hơn từ số tiền họ tiết kiệm.
Ví dụ, nhiều người thuộc thế hệ baby boomers sống dựa vào thu nhập cố định từ tiền tiết kiệm khi về hưu. Với họ, lãi suất thấp không phải điều tốt.
Cuối cùng, thị trường nhà ở đặt ra một thách thức lớn cho nền kinh tế và Shalett không tin rằng việc hạ lãi suất có thể cải thiện tình hình. Dù lãi suất vay mua nhà thấp hơn có thể giúp cải thiện khả năng mua nhà, nhưng nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi là thiếu nguồn cung nhà ở.
Shalett cho biết Mỹ hiện thiếu khoảng 4 triệu đơn vị nhà ở, do sự giảm sút trong xây dựng sau cuộc khủng hoảng nhà đất. Ngoài ra, phương thức mà các căn nhà được mua và tài trợ (thường thông qua các khoản vay thế chấp) cũng gây ra khó khăn.
Khoảng 40% toàn bộ số nhà ở Mỹ hiện không còn khoản vay thế chấp nào, tức là không bị ảnh hưởng bởi lãi suất. Những chủ sở hữu này, phần lớn là thế hệ baby boomers đã nghỉ hưu, không có lý do để bán nhà khi lãi suất thế chấp vẫn ở mức khoảng 6%, mặc dù đã giảm so với trước đó.
Thêm nữa, 36% số nhà khác trên thị trường hiện đang có các khoản vay thế chấp đã khóa ở mức dưới 4%, nhờ lãi suất cực thấp trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Vì vậy, lãi suất hiện tại ở mức 6% không đủ hấp dẫn để thúc đẩy những người này bán nhà hoặc tham gia giao dịch trên thị trường thế chấp, khiến thị trường nhà ở không “nhạy cảm” với các đợt hạ lãi suất.
“Chìa khóa” từ lợi nhuận doanh nghiệp
Nếu việc cắt giảm lãi suất không giúp kích thích nền kinh tế, thì điều gì có thể làm được?
Theo Shalett, sự thành công của nền kinh tế phụ thuộc vào việc năng suất của các doanh nghiệp tăng. Bà khuyến nghị các nhà đầu tư nên theo dõi sát sao lợi nhuận doanh nghiệp trong các quý sắp tới.
Dự báo về lợi nhuận đang khá tham vọng, với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận từ 13-14% vào năm 2025, điều này không dễ đạt được trong một nền kinh tế đang chậm lại.
Tuy nhiên, một sự phục hồi dựa trên năng suất không phải là điều không thể. Các doanh nghiệp vẫn đang báo cáo chi tiêu vốn cao hơn mức trung bình; đồng thời các gói kích thích từ Chính phủ sẽ thúc đẩy các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và năng lượng.
Hơn nữa, tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Tất cả những yếu tố này có thể giúp nền kinh tế hạ cánh mềm.
Theo BI
>> Chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới, Dow Jones tăng hơn 300 điểm