Trung Thủy Đà Nẵng nợ trái phiếu 1.300 tỷ đồng: Vì đâu kinh doanh thua lỗ vẫn huy động vốn dễ dàng?
Trung Thủy Đà Nẵng là một thành viên trong hệ sinh thái của Trung Thủy Group (TT Group).
CTCP Trung Thủy Đà Nẵng công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Lô trái phiếu TDNCH2225001 của Trung Thủy Đà Nẵng có trị giá 1.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành ngày 14/1/2022, kỳ hạn 42 tháng, đáo hạn vào 14/7/2025.
Lô trái phiếu này doanh nghiệp không công bố nhiều thông tin cụ thể. Ghi nhận trên HNX, trái phiếu do Ngân hàng TMCP Tiên Phong là tổ chức lưu ký, có lãi suất 10%/năm. Thông tin công bố của Trung Thủy cho biết công ty đã mua lại trước hạn 7,1 tỷ đồng trong tổng số 1.300 tỷ đồng giá trị phát hành, số trái phiếu mua lại không đáng kể.
Kinh doanh thua lỗ, vốn điều lệ 734 tỷ đồng lại được thu xếp phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu
Về tình hình kinh doanh, phải dùng từ “bết bát” cho Trung Thủy Đà Nẵng. Năm 2021 trước thời điểm công ty phát hành trái phiếu, Trung Thủy Đà Nẵng không phát sinh chỉ số về lợi nhuận. Còn năm 2022 vừa qua sau khi phát hành 1.300 tỷ đồng trái phiếu, nhiều chỉ số đáng buồn hơn: Hệ số nợ phải trả gấp 2,3 lần vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu gấp đôi vốn chủ sở hữu, 1.300 tỷ đồng. Ngoài ra năm 2022 Trung Thủy Đà Nẵng còn ghi nhận lỗ hơn 94 tỷ đồng.
Trung Thủy Đà Nẵng thành lập tháng 10/2010 do ông Nguyễn Văn Trung làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có vốn điều lệ ban đầu 6 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Tập đoàn Trung Thủy, ông Nguyễn Trung Tín (24%) và ông Nguyễn Văn Trung (25%).
Ông Nguyễn Trung Tín những năm trước được nhắc đến là vị CEO trẻ tuổi, con trai bà Dương Thanh Thủy - sáng lập tập đoàn Trung Thủy. Năm 2015 ông Nguyễn Trung Tín thường xuyên được nhắc tới khi được trực tiếp trò chuyện với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại mô hình Dreamplex do mình sáng lập.
Tháng 4/2018 công ty tăng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng. Tháng 1/2020 công ty công bố thông tin đã tiến hành tăng vốn khủng, từ 20 tỷ đồng lệ 735 tỷ đồng, tương ứng gấp 36,7 lần.
Tuy tăng vốn khủng, nhưng với kết quả kinh doanh thua lỗ, vốn điều lệ 735 tỷ đồng, Trung Thủy được thu xếp phát hành lô trái phiếu 1.300 tỷ đồng cũng khiến nhiều người chú ý.
Những giao dịch thế chấp đổ về Tiên Phong Bank
Thông tin về lô trái phiếu không nhiều, tuy vậy tháng 4/2022 Trung Thủy Đà Nẵng có giao dịch đảm bảo tại Tiên Phong Bank. Tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi tức thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
CTCP Tập đoàn Trung Thủy (TT Group) thành lập tháng 5/2007 do bà Dương Thanh Thủy là người đại diện theo pháp luật. Bà Dương Thanh Thủy được biết đến là người sáng lập Trung Thủy Group hiện nay.
Tháng 1/2019 TT Group bất ngờ tiến hành tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, tương ứng gấp 4 lần vốn điều lệ ban đầu. Tháng 3/2019 ông Nguyễn Văn Trung lên giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ít ai nhớ rằng Trung Thủy Group ngày nay lại chính là chủ nhân của thương hiệu thời trang miss áo dài nổi tiếng một thời. Bà Dương Thanh Thủy, cổ đông sáng lập TT Group, khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Năm 1997, thương hiệu Miss áo dài ra đời, là tiền thân của Tập đoàn Trung Thủy ngày nay. Thậm chí các công trình xây dựng gắn với TT Group, có tòa nhà Miss áo dài buildings với thiết kế mềm mại lấy cảm hứng từ tà áo dài Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trung được biết đến là người đứng tên rất nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Trung Thủy Group TT Group. Bản thân ông Trung cũng nhiều lần mang tài sản đi thế chấp tại ngân hàng, mà chủ yếu đổ về Tiên Phong Bank.
Tháng 4/2022 khi Trung Thủy Đà Nẵng có giao dịch thế chấp, ông Nguyễn Văn Trung và bà Dương Thanh Thủy cũng có giao dịch thế chấp tại TPBank.
Cụ thể, trong ngày 13/4/2022 cả ông Trung và bà Thủy đồng đứng tên 2 hợp đồng thế Tài sản đảm bảo là cổ phần tại Trung Thủy Đà Nẵng. Trong đó hợp đồng đầu tiên là 37.485.000 cổ phần và hợp đồng thứ 2 là 18.375.000 cổ phần. Tổng cộng ông Trung bà Thủy mang 55,86 triệu cổ phần Trung Thủy Đà Nẵng đi thế chấp tại Tiên Phong Bank, tương ứng 76% vốn điều lệ của Trung Thủy Đà Nẵng.
Một lần nữa việc “thế chấp 2 lần" được nói đến, khi 76% số cổ phần của Trung Thủy Đà Nẵng được mang đi thế chấp tại Tiên Phong Bank. Đồng thời Trung Thủy Đà Nẵng lại mang dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đi thế chấp. Câu chuyện thế chấp 2 lần, nỗi đau của những nhà đầu tư trái phiếu luôn không cũ. Đâu đó vẫn còn rất nhiều các lô trái phiếu quá hạn, vẫn còn những "lời hứa" mãi chưa thực hiện. Câu chuyện định giá tài sản đảm bảo, câu chuyện thế chấp tài sản vẫn luôn là nỗi lo hiện hữu.
Nói về dự án được Trung Thủy Đà Nẵng thế chấp - Dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô. Dự án còn có tên là Lancaster Nam O Resort, có quy mô 36,6ha. Dự án ban đầu được giao cho CTCP Thương mại đầu tư Cù Lao Chàm làm chủ đầu tư. Tuy vậy năm 2010 dự án được chuyển đổi chủ đầu tư sang Trung Thủy Đà Nẵng trực thuộc Trung Thủy Group và điều chỉnh giảm diện tích xuống còn 25h, tách Gềnh đá ra khỏi dự án để làm khu du lịch cộng đồng. Năm 2010 cũng là thời điểm thành lập của Trung Thủy Đà Nẵng.
Dù đổi chủ, nhưng cuối cùng Nam Ô vẫn đắp chiếu chục năm do rất nhiều vấn đề. Mới đây Trung Thủy Đà Nẵng công bố thông tin đã chính thức tái khởi động dự án. Tuy vậy trên website của Trung Thủy Group, dự án này vẫn đang cập nhật trạng thái “coming soon”.
Hai lô đất từ Bộ GTVT 'về tay' Trung Thủy Lancaster: Dự án đã đình trệ nhiều năm 
DreamPlex của thiếu gia nhà Trung Thuỷ Group sáng lập nợ 11 tháng bảo hiểm xã hội