Trước thềm ĐHCĐ 2023: Eximbank (EIB) trở lại đường đua khi thượng tầng không còn “sóng gió”?

03-04-2023 15:17|Hoàng Yến

Sau khi "cuộc chiến vương quyền" tại Eximbank được coi là đã đi đến hồi kết, ngân hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh vô cùng khởi sắc với lợi nhuận tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã: EIB) được thành lập ngày 24 tháng 5 năm 1989 – là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiền của Việt Nam. Ngân hàng phát triển nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng top đầu và ghi danh vào “câu lạc bộ nghìn tỷ” với mức lãi sau thuế hơn 3 nghìn tỷ đồng vào năm 2011. Eximbank là ngân hàng có vốn điều lệ dẫn đầu khối TMCP, chỉ xếp sau Big 4 ngân hàng quốc doanh.

Khi thượng tầng “sóng gió”

Tuy nhiên, sóng gió của Eximbank bắt đầu xảy ra khi xuất hiện mâu thuẫn giữa một số thành viên HĐQT ngân hàng.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến giữa tháng 2/2022, Eximbank ghi nhận 8 lần đổi chủ từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, quay lại ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, trở lại với ông Yasuhiro Saitoh và hiện là bà Lương Thị Cẩm Tú.

“Cuộc chiến vương quyền” tại Eximbank chỉ được coi là đã đi đến hồi kết khi tại ĐHCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 được tổ chức vào 15/2/2022, nhân sự HĐQT và BKS của ngân hàng đã được kiện toàn với vị trí Chủ tịch HĐQT thuộc về bà Lương Thị Cẩm Tú.

Trong giai đoạn xảy ra những tranh chấp quyền lực của các nhóm cổ đông, hoạt động của Eximbank cũng nhanh chóng trượt dốc, rời khỏi top 3 ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam và chỉ được xếp vào hạng ngân hàng tầm trung ở thời điểm hiện tại.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: Eximbank (EIB) trở lại đường đua khi thượng tầng không còn “sóng gió”?
Lợi nhuận của Eximbank liên tục lao dốc trong giai đoạn đầu "cuộc chiến vương quyền".

Ngân hàng trở lại đường đua khi "sóng gió" qua đi

Sau khi bộ máy nhân sự cấp cao của Eximbank được kiện toàn vào giữa tháng 2/2022, Ngân hàng đã ghi nhận hoạt động kinh doanh vô cùng khởi sắc trong năm 2022 với mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn ngành.

Cụ thể, trong năm 2022, Eximbank ghi nhận lãi trước thuế hơn 3.709 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 2.946 tỷ đồng, bứt tốc tăng 205% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 5.592 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ (+37%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (+54%), lãi từ hoạt động khác (+69%). Nhà bằng này cũng ghi nhận khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 104 tỷ đồng trong khi cùng kỳ hoàn nhập 990 tỷ đồng.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: Eximbank (EIB) trở lại đường đua khi thượng tầng không còn “sóng gió”?
Nguồn: BCTC quý 4/2023 của Eximbank

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Eximbank tăng 11,6% lên mức 185.045 tỷ đồng trong đó tiền mặt, vàng bạc, đá quý tăng 9,8%, tiền gửi tại NHNN tăng 64,5%, tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng tăng 3,3%, cho vay khách hàng tăng 14%.

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 4,4% so với năm 2021, đạt mức 2.347 tỷ đồng, tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.632 tỷ đồng - chiếm 70% nợ xấu.

Bên cạnh đó, Eximbank mới đây cũng đã phát hành thêm 245,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 20%. Nguồn vốn phát hành là lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ giai đoạn 2017 - 2021. Đây cũng là lần đầu tiên cổ đông ngân hàng này được nhận cổ tức kể từ năm 2014.

Trong năm 2023, Eximbank cũng lên kế hoạch trở lại “đường đua” với lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ, tăng gần 35% so với năm 2022. Các chỉ số khác cũng được nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối cao như tổng tài sản tăng 13,5% lên 210.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 11% lên 165.000 tỷ; dư nợ cấp tín tăng 12,3% lên 146.600 tỷ.

“Cuộc chiến vương quyền” đã thực sự ngã ngũ?

Ngày 13/1/2023, cổ phiếu EIB của Eximbank ghi nhận loạt giao dịch thỏa thuận “khủng” với 134 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 10,8% vốn điều lệ Eximbank) được trao tay. Sau đó, SMBC – cổ đông lớn suốt 16 năm nay của Eximbank đã chính thức xác nhận bán 132,8 triệu cổ phiếu ngân hàng này vào hôm 13/1.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SMBC tại Eximbank giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,51 triệu cổ phiếu) và không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng này đồng thời cũng không thuộc diện công bố thông tin.

Tuy nhiên, SMBC không phải là cổ đông lớn đầu tiên rời khỏi Eximbank kể từ khi bà Lương Thị Cẩm Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Trước đó, nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Thành Công cũng đã liên tục thoái vốn tại ngân hàng này.

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 7/10-31/10/2022, CTCP Tập đoàn Thành Công đăng ký bán thỏa thuận 60,54 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 4,924%. Đồng thời, Hợp tác xã cổ phần Thành Công cũng đăng ký bán thỏa thuận hơn 44,7 triệu cổ phiếu EIB, chiếm 3,637%. CTCP Phúc Thịnh cũng đăng ký bán gần 12,4 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,005% vốn theo phương thức thỏa thuận.

Đây đều là những công ty, cổ đông có liên quan đến Thành viên HĐQT Eximbank Lê Hồng Anh. Thời điểm đó, bà Lê Hồng Anh đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công, đồng thời bà cũng là em chồng của người quản lý Hợp tác xã cổ phần Thành Công và là chị dâu của người quản lý CTCP Phúc Thịnh. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc, con gái của bà Lê Hồng Anh cũng đã chuyển nhượng toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu EIB.

2 thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công cũng đã có đơn từ nhiệm vào ngày 24/10/2022 bao gồm bà Lê Hồng Anh (Thành viên HĐQT) và ông Đào Phong Trúc Đại (Thành viên HĐQT độc lập).

Đáng chú ý, Tập đoàn Thành Công chỉ vừa công khai gia nhập thành viên HĐQT Eximbank từ ĐHCĐ thường niên ngày 15/2/2022. Chỉ trong vòng hơn 8 tháng, nhóm cổ đông này lại thoái sạch vốn tại Eximbank.

Để bầu bổ sung hai thành viên HĐQT đã rời đi, Eximbank sau đó đã thông báo tổ chức ĐHCĐ bất thường lần thứ 1 năm 2023 vào ngày 16/2/2023. Tuy nhiên, ĐHCĐ bất thường năm 2023 của Eximbank đã không thể tổ chức thành công do không đủ số lượng cổ đông tham gia đại hội.

Trước thềm ĐHCĐ 2023: Eximbank (EIB) trở lại đường đua khi thượng tầng không còn “sóng gió”?
ĐHCĐ bất thường lần 1 năm 2023 của Eximbank không thể tổ chức thành công

Sau đó, hôm 14/2, Eximbank đã tổ chức thành công ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 năm 2023 và bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT. Tuy nhiên, việc “cuộc chiến vương quyền” tại Eximbank đã thực sự kết thúc hay chưa vẫn còn là một câu hỏi lớn trước thềm ĐHCĐ ngân hàng được tổ chức vào ngày 14/4 tới đây.

Công an tìm nạn nhân bị lừa chuyển tiền đến 21 tài khoản ngân hàng Vietcombank, Eximbank, VIB, MB,...

Kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng quý IV/2024: 3 cái tên tăng trưởng từ 100-300%

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/truoc-them-dhcd-2023-eximbank-eib-tro-lai-duong-dua-khi-thuong-tang-khong-con-song-gio-176652.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trước thềm ĐHCĐ 2023: Eximbank (EIB) trở lại đường đua khi thượng tầng không còn “sóng gió”?
    POWERED BY ONECMS & INTECH