Trường đại học đầu tiên của Việt Nam trên "đất vàng" rộng hơn 54.000m2, sở hữu 82 bia tiến sĩ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đã trở biểu tượng văn hóa về tinh thần hiếu học, thu hút du khách thập phương tìm về tham quan, đặc biệt là dịp lễ 20/11.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể nằm trong danh sách các Di tích Quốc gia đặc biệt  của Việt Nam, niềm tự hào của con dân đất Việt. Với bề dày văn hóa - lịch sử lâu đời, khu di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong các chuyến tham quan, khám phá du lịch Hà Nội . Đồng thời, đây cũng là nơi mà các cô cậu học trò, sĩ tử đến cầu may mắn trước mỗi kỳ thi quan trọng.
Văn Miếu- Quốc Tử Giám toạ lạc tại số 58 phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây không là ngôi trường lưu giữ những dấu ấn văn hóa – lịch sử nghìn năm văn hiến. Theo đó, Văn Miếu được xây dựng dưới thời vua Lý Thánh Tông (tháng 8 năm 1070), vừa là nơi thờ các bậc thánh nhân Đạo Nho vừa là trường học hoàng gia dành cho Hoàng thái từ. Thái tử Lý Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông chính là học trò đầu tiên của ngôi trường này.
Sau khi lên ngôi, vua Lý Nhân Tông đã cho lập trường Quốc Tử Giám ngay bên cạnh Văn Miếu. Đây là ngôi trường chỉ dành riêng cho con cái các bậc vua quan, quyền quý lúc bấy giờ. Năm 1253, dưới thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện, thu nhận cả con em nhà thường dân học giỏi.
Từ năm 1300 – 1357, tức thời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được mời nhậm chức Quốc Tử Giám tư nghiệp, tương ứng với chức vụ hiệu trưởng ngày nay. Ông là người quản lý các hoạt động liên quan đến Quốc Tử Giám, bao gồm cả việc dạy học cho Thái tử Trần Vượng. Văn Miếu Quốc Tử Giám chính là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, là trường đại học đầu tiên ở nước ta.
Tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhìn từ trên cao
Công trình được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật có diện tích khoảng 54.331m2, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn. Tổng thể khu di tích được bao bọc bởi 4 bức tường gạch vồ cực kỳ kiên cố, bên trong có nhiều công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Khu di tích được bao bọc bởi 4 bức tường gạch kiên cố
Một trong những di tích nổi tiếng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 82 tấm bia Tiến sĩ, ghi họ tên, quê quán của 1307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ 1442- 1779 gồm 81 khoa triều Lê và 1 khoa triều Mạc. Bia Tiến sĩ khắc trên loại đá màu xanh, kích thước không đều nhau được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Bia được đặt trên lưng rùa. Rùa là một trong bốn linh vật: Long, Ly, Quy, Phượng. Rùa sống lâu, có sức khỏe nên việc đặt bia Tiến sĩ trên lưng rùa đá thể hiện sự tôn trọng hiền tài và trường tồn mãi mãi.
Tháng 3/2010, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 7/2011, 82 bia tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Đến tháng 1/2015, 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại một lần nữa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ngày nay, Văn Miếu là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Thủ đô Hà Nội. Giá vé tham quan Văn Miếu là 30.000 VND/ lượt, miễn phí vé hoặc giảm giá 50% cho một số đối tượng đặc biệt.
Đặc biệt, hằng năm cứ dịp lễ 20/11 lượng du khách sẽ đổ về văn miếu rất đông, đây như một lời tri ân thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, tinh thần hiếu học của học sinh, sinh viên khắp mọi miền tổ quốc dành cho những thế hệ trước.