TS. Cấn Văn Lực: Fintech Việt Nam đối mặt áp lực lớn từ cạnh tranh ngân hàng
Fintech Việt Nam đang chững lại sau đại dịch, đối mặt thách thức pháp lý và cạnh tranh từ ngân hàng. Đâu là hướng đi để tái bứt phá và phát triển?
Ngày 13/12, tại Diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024 diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng thương mại và công ty fintech đã tham dự để thảo luận về tương lai công nghệ tài chính tại Việt Nam.
Tại đây, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhận định rằng lĩnh vực fintech tại Việt Nam đang đối mặt với dấu hiệu thoái trào sau những năm phát triển mạnh mẽ.
Thị trường fintech đứng yên sau đại dịch
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, từ sau đại dịch Covid-19, Việt Nam không ghi nhận thêm công ty fintech nào được cấp phép mới. Hiện tại, thị trường có khoảng 170 công ty fintech, trong đó 50 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, tương đương với số liệu trước đại dịch.
Fintech – được hiểu là sự tích hợp giữa công nghệ và tài chính – tại Việt Nam chủ yếu phát triển các giải pháp như ví điện tử và cổng thanh toán. Tuy nhiên, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện đã khiến một số đơn vị vi phạm, cung cấp các dịch vụ không được pháp luật cho phép. Điển hình là việc sử dụng ví điện tử để phục vụ hoạt động như chuyển tiền đánh bạc hoặc cá độ, gây mất niềm tin đối với thị trường tài chính.
Các ngân hàng thương mại đang cho thấy tiềm lực vượt trội trong việc triển khai công nghệ tài chính. Việc liên kết tạo mã QR thanh toán liên thông giữa các ngân hàng, cùng sự phát triển của ứng dụng ngân hàng số, đã tạo ra một hệ sinh thái tiện ích cho người dùng mà các công ty fintech khó cạnh tranh.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng các ngân hàng thương mại, với nền tảng bảo mật mạnh mẽ và sự cởi mở từ Luật Các Tổ chức tín dụng (hiệu lực từ 1/7/2024), đang trở thành trụ cột chính trong phát triển tài chính số. Quy định mới cũng cho phép ngân hàng triển khai các sản phẩm như cho vay điện tử dưới 100 triệu đồng mà không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn, mở ra nhiều cơ hội phục vụ người dùng cá nhân.
TS. Cấn Văn Lực tại Diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024, nguồn: Thời báo Ngân hàng |
Giải pháp cho tương lai fintech
Để lấy lại đà tăng trưởng, các công ty fintech cần xây dựng một hệ sinh thái minh bạch và đáng tin cậy, đảm bảo tuân thủ pháp luật. TS. Lực cũng khuyến nghị việc triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Đồng thời, chính sách chia sẻ dữ liệu người dùng, kết hợp với cho phép thu phí dữ liệu, sẽ biến dữ liệu thành tài sản quan trọng, thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực tài chính công nghệ.
Một điểm nhấn khác là xu hướng liên thông thanh toán quốc tế. Hiện tại, Việt Nam đã triển khai quét mã QR với các thị trường như Thái Lan, Campuchia, Lào và Hàn Quốc, giúp người dân không cần sử dụng tiền mặt hay thẻ tín dụng khi ra nước ngoài.
Theo TS. Lực, kinh tế số tại Việt Nam đang tăng trưởng 20% mỗi năm, vượt xa mức trung bình 15% của khu vực ASEAN. Đặc biệt, lĩnh vực cho vay trực tuyến được dự báo sẽ tăng trưởng gần 50% vào năm 2030 khi các kênh tài chính trực tuyến như chứng khoán và bảo hiểm mở rộng.
Một bước tiến quan trọng khác là phát triển tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến cuối năm 2024, đã có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai tiền kỹ thuật số, trong đó có các nước lân cận Việt Nam như Trung Quốc và Campuchia. Việc nghiên cứu và áp dụng tiền kỹ thuật số đối với đồng VND sẽ là xu thế tất yếu, thúc đẩy sự phát triển tài chính toàn diện.
>> Kể từ năm 2020, không có công ty Fintech được cấp phép mới tại Việt Nam 
Kể từ năm 2020, không có công ty Fintech được cấp phép mới tại Việt Nam 
Bitcoin hướng đến mốc 100.000 USD: Fintech khẳng định tầm ảnh hưởng toàn cầu