Vĩ mô

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững

Thanh Liêm 01/02/2025 13:00

Đón xuân Ất Tỵ 2025, trong không khí hân hoan mừng Đảng, mừng Xuân và mừng Đất nước đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đứng trước một giai đoạn lịch sử mang tính bước ngoặt.

Khát vọng tăng trưởng GDP cao cho năm 2025 và những năm sau đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động. Liệu Việt Nam có thể bứt phá và hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này?

Để tìm lời giải, chúng tôi đã có dịp trao đổi cùng TS. Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI), đồng thời là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. Với kinh nghiệm nghiên cứu sâu sắc về chiến lược phát triển và tăng trưởng bền vững, TS. Võ Trí Thành đã đưa ra những phân tích sắc sảo và định hướng chiến lược để biến khát vọng tăng trưởng thành hiện thực.

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững
TS. Võ Trí Thành là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Ông nổi tiếng với những phân tích sắc sảo về cải cách thể chế, chính sách kinh tế vĩ mô và chiến lược hội nhập kinh tế toàn cầu.

PV: Năm 2025 đã khởi đầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy đan xen giữa những cơ hội và thách thức, ông nhìn nhận như thế nào về những tác động từ các yếu tố bên ngoài này đến kinh tế Việt Nam trong năm nay?

TS. Võ Trí Thành: Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, khi nền kinh tế toàn cầu chứng kiến sự hòa trộn giữa những áp lực truyền thống và những biến động mới. Với Việt Nam, đây là giai đoạn đầy thử thách, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để tái định hình nền kinh tế, nâng cao năng lực thích ứng và cạnh tranh.

Trước hết, sự giảm tốc của nhiều đối tác lớn sẽ tác động không nhỏ đến thương mại và tăng trưởng của Việt Nam. Theo dự báo tháng 1/2025 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù đã có chỉnh sửa theo hướng tích cực hơn, kinh tế Mỹ, Trung Quốc – hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam – đều tăng trưởng chậm hơn trong năm 2025. Cụ thể, Mỹ chỉ đạt 2,7%, giảm từ mức 2,8% năm 2024; Trung Quốc đạt 4,6%, giảm từ 4,8%. Khu vực đồng Euro có tăng trưởng cao hơn, nhưng ở mức thấp, chỉ đạt 1,0%, so với 0,8% năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường này có thể ít nhiều suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, vốn đạt 405,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 14,3% so với năm trước đó.

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững
Xu hướng tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), tổng hợp bởi Thanh Liêm.

Thách thức tiếp theo đến từ sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Chính sách "America First" không chỉ áp đặt thuế quan cao hơn mà còn có thể tạo ra các rào cản liên quan đến nguồn gốc xuất xứ trong các chuỗi cung ứng. Điều này có thể có ảnh hưởng đáng kể đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là hàng điện tử và công nghệ cao, vốn tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024.

Tại châu Âu, các quy định mới như Luật chống phá rừng và Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ tiếp tục là những bài toán khó cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các tiêu chuẩn khắt khe này không chỉ yêu cầu sự minh bạch về chuỗi cung ứng mà còn đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ trong việc áp dụng công nghệ xanh, nâng cấp sản xuất và tuân thủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Dù đây là thách thức lớn, nhưng cũng mở ra cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu chuỗi giá trị, khẳng định vị thế trong thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó, sự thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi chỉ dự kiến cắt giảm lãi suất hai lần trong năm nay, sẽ vẫn giữ đồng USD ở mức giá tương đối cao. Điều này gây áp lực lên tỷ giá VND/USD, vốn đã tăng trung bình 4,3% trong năm 2024, giảm dư địa điều hành của chính sách tiền tệ trong duy trì mặt bằng lãi suất hỗ trợ tăng trưởng cùng một tỷ giá canh tranh cho xuất khẩu.

Cuối cùng, Việt Nam luôn được xem là một trong những “bến đỗ” an toàn, hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, nhất là khi các chuỗi cung ứng ở nhiều ngành/lĩnh vực quan trọng có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Tuy vậy, cũng có dự báo rằng FDI dự kiến có thể sẽ ít nhiều giảm vào đầu năm 2025 cho đến khi các nhà đầu tư rõ ràng và yên tâm về chính sách Trump 2.0. Dù vốn giải ngân FDI trong năm 2024 đạt 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% – mức cao nhất từ năm 2020 – nhưng tổng vốn cam kết lại giảm 3%. Điều này phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư quốc tế trước các bất định chính sách và biến động kinh tế toàn cầu.

PV: Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ít nhất là 8%, xin ông cho biết đâu là những động lực chủ đạo và yếu tố then chốt giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định?

TS. Võ Trí Thành: Ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế vào năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8,0%, cao hơn nhiều mục tiêu thận trọng hơn của Quốc hội là 6,5 - 7,0%. Chỉ bảy ngày sau, Thủ tướng ký công văn khác, đòi hỏi cầu nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng hai con số ngay trong năm 2025. Trong cả hai công văn, Thủ tướng đều nhấn mạnh, 2025 là năm cột mốc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của đất nước, yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố liên quan có biện pháp quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Câu hỏi đặt ra là các động lực tăng trưởng nằm ở đâu và liệu đây có là mục tiêu khả thi?

Tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam đúng là rất đáng khích lệ khi vượt qua nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng phần lớn thành quả này đến từ các yếu tố bên ngoài, như xuất khẩu tận dụng sự phục hồi của các thị trường lớn và dòng vốn FDI, đặc biệt từ lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Các số liệu năm 2024 cho thấy tăng trưởng tiêu dùng, cả đầu tư công và đầu tư tư nhân chưa được như kỳ vọng. Tổng mức bán lẻ, loại trừ yếu tố giá, tăng 5,9%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng chung là 7,1%. Giải ngân đầu tư công, dù có nhiều nỗ lực và có những công trình về địch trước hạn, chỉ đạt khoảng 94% chỉ tiêu Thủ tướng giao. Đầu tư tư nhân tăng dần theo quý, đạt 8,7%; song chỉ hơn ½ so với nhiều năm trước đây. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu các điều kiện bên ngoài không thuận lợi trong năm 2025, Việt Nam phải dựa vào các động lực nội tại để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng.

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững
Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2011-2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), tổng hợp bởi Thanh Liêm.

Tiêu dùng nội địa hiện chiếm khoảng 70% GDP, trong đó tiêu dùng dân cư đóng vai trò quan trọng nhất với 60% GDP. Để phát huy tiềm năng này, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu hiệu quả hơn. Các chính sách như gia hạn giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% là cần thiết, nhưng cần bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ như phát triển ngành du lịch – vốn đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024 với 17,6 triệu lượt khách quốc tế. Điều này đòi hỏi đầu tư đồng bộ từ quảng bá hình ảnh quốc gia, cải thiện thủ tục nhập cảnh đến phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ người lao động và nhóm yếu thế cũng cần được đẩy mạnh để đảm bảo sự bao trùm trong tăng trưởng kinh tế.

TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê (GSO), tổng hợp bởi Thanh Liêm.

Bên cạnh tiêu dùng, chi tiêu công, đặc biệt là đầu tư vào các dự án hạ tầng trọng điểm, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và tạo nền tảng phát triển dài hạn. Việc giải ngân đầu tư công, nếu được đẩy nhanh và thực hiện hiệu quả, không chỉ kích thích tăng trưởng ngắn hạn mà còn mở đường cho sự phát triển bền vững. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi 1% tăng trong giải ngân đầu tư công có thể thúc đẩy GDP tăng thêm 0,058% và thu hút 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Chính phủ cần tập trung vào cải thiện quy trình giải ngân, tăng cường giám sát và đảm bảo tính hiệu quả trong sử dụng vốn.

Đạt tăng trưởng GDP 8% năm 2025 là rất thách thức. Mục tiêu và tính khả thi gắn với con số tăng trưởng GDP năm 2025 không chỉ đơn thuần là mối quan tâm về mặt định lượng. Chúng ta phải chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng khác nhau để vượt qua thách thức một cách hiệu quả. Trong bất cứ trường hợp nào, cải thiện điều kiện và niềm tin thị trường, cùng với việc ứng xử khéo léo trong quan hệ đối tác – đặc biệt với những đối tác kinh tế quan trọng – là điều cốt yếu.

Quan trọng hơn, câu chuyện tăng trưởng năm 2025 cần được xem là việc tạo dựng những nền tảng vững chắc để Việt Nam đột phá phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi thể chế phải được định hình chuẩn chỉnh cùng với một bộ máy chính trị và bộ máy nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Việc triển khai nhanh chóng nhưng hợp lý các dự án kết cấu hạ tầng không chỉ tạo động lực cho tăng trưởng hiện tại mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045.

PV: Chính sách tài khóa mở rộng, với trọng tâm là gia tăng chi tiêu công và giảm thuế, phí, có thể mang lại những thuận lợi và thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025? Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự bền vững của nợ công, cân đối ngân sách và kỷ luật tài khóa quốc gia?

TS. Võ Trí Thành: Chính sách tài khóa mở rộng, tập trung vào việc gia tăng chi tiêu công và giảm thuế, phí, là một công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số vào năm 2025. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng đi kèm với nhiều thuận lợi và thách thức lớn, đòi hỏi sự cẩn trọng trong điều hành để đảm bảo bền vững nợ công, cân đối ngân sách và kỷ luật tài khóa quốc gia.

Thứ nhất, tăng cường chi tiêu công, đặc biệt vào các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Như đã nêu ở trên, mỗi 1% giải ngân đầu tư công tăng thêm sẽ góp phần nâng tốc độ tăng trưởng GDP thêm 0,058%. Ngoài ra, cứ mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân có khả năng kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2024, tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt kế hoạch, điều này đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn trong năm 2025. Các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số cần được ưu tiên nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Thứ hai, giảm thuế và phí là một giải pháp hữu hiệu để kích thích tiêu dùng nội địa, vốn chiếm khoảng 70% GDP. Biện pháp gia hạn giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đã hỗ trợ tiêu dùng và tăng sức mua, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch hồi phục với 17,6 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, tăng 39,5% so với năm trước. Tuy nhiên, cần triển khai thêm các chính sách hỗ trợ người lao động, quảng bá sản phẩm và cải tiến thủ tục hành chính để tận dụng tối đa tiềm năng của tiêu dùng nội địa và du lịch.

Khác với nhiều nước, vị thế tài khóa của Việt Nam khá tốt. Theo IMF, nợ công toàn cầu tăng nhanh hơn dự đoán, vượt qua mức 100.000 tỷ USD, bằng 93% GDP thế giới năm 2024 và sẽ đạt 100% GDP thế giới hoặc cao hơn vào năm 2030. Với Việt Nam, thâm hụt ngân sách khá thấp và tỷ lệ nợ công hiện dưới 40% GDP, thấp hơn nhiều trần nợ công Quốc hội cho phép là 60%. Tuy nhiên, cũng không thể coi thường rủi ro. Việt Nam phải tính bài toán dài và điều này liên quan đến khả năng hấp thụ vốn, nhìn nhận các dự án ưu tiên/các dự án đầu tư không hối tiếc và chất lượng đầu tư.

Ngoài ra, duy trì kỷ luật tài khóa là một thách thức trong bối cảnh mở rộng chi tiêu. Sự thiếu minh bạch hoặc hiệu quả trong quản lý nguồn lực có thể làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và thị trường, cản trở khả năng huy động tài chính của Chính phủ trong tương lai. Hơn nữa, không chỉ dư địa chính sách tiền tệ mà cả chính sách tài khóa có thể thu hẹp khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều bất ổn như căng thẳng địa-chính trị, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và những quy định khắt khe từ các đối tác lớn như EU.

Để đối phó với các thách thức này, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ các biện pháp cải cách thể chế, tăng cường quản lý hiệu quả nguồn lực công và nâng cao năng lực giám sát các dự án đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự bền vững trong dài hạn. Đồng thời, việc xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều biến động.

PV: Khu vực kinh tế tư nhân hiện được xem là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo ông, vai trò của khu vực này trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2025 sẽ được phát huy như thế nào? Đồng thời, đâu là những thách thức lớn nhất mà khu vực kinh tế tư nhân cần phải vượt qua?

TS. Võ Trí Thành:Khu vực kinh tế tư nhân từ lâu đã được xác định là một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Vai trò này không chỉ được khẳng định qua các nghị quyết quan trọng của Đảng và Nhà nước, như Hội nghị Trung ương 5 khóa XII năm 2017 hay Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023, mà còn được hiện thực hóa qua sự trưởng thành của hơn 900.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực này đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo việc làm, đồng thời là lực lượng dẫn dắt sự chuyển đổi và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để trở thành động lực thực sự, khu vực kinh tế tư nhân cần vượt qua nhiều thách thức và phát huy tối đa tiềm năng trong bối cảnh năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trước hết, khu vực kinh tế tư nhân cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng phát triển, không chỉ dừng lại ở quy mô mà còn phải hướng đến sự lớn mạnh thực sự. Hiện tại, hơn 97% doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), trong đó phần lớn có quy mô rất nhỏ với vốn đăng ký dưới 5 tỷ VNĐ và số lao động dưới 10 người. Mặc dù đã có sự xuất hiện của một số tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, Viettel và Masan, nhưng nhìn chung, khu vực này vẫn đối mặt với những điểm yếu như thiếu sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hạn chế về năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để vượt qua những hạn chế này, cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ nhằm phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh về cả quy mô lẫn năng lực cạnh tranh, từ đó tạo động lực lan tỏa trong toàn bộ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc nhiều vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế. Theo báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cải cách thể chế cần tập trung vào việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, và giảm thiểu sự méo mó trên các thị trường nhân tố sản xuất như vốn, lao động và đất đai. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ SMEs và startups cần được triển khai mạnh mẽ hơn, bao gồm các biện pháp như cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thiết lập các cụm liên kết ngành để gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những cải cách này không chỉ giúp giảm chi phí giao dịch mà còn thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và khả năng hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, chuyển đổi chiến lược từ "lớn" sang "lớn mạnh" là một yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và chuyển đổi xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là yếu tố sống còn để nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp bền vững. Các tập đoàn tư nhân lớn cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ, và thực hiện các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Việc này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược dài hạn, khả năng quản trị linh hoạt và sự cam kết từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2025 và xa hơn. Để thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển bền vững, khu vực này cần một sự chuyển đổi toàn diện về chiến lược, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ từ phía Nhà nước. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới.

PV: Trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), đâu là những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay liên quan đến thể chế, nguồn vốn, công nghệ và thị trường? Theo ông, cần triển khai các giải pháp mang tính đột phá nào để giúp khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn?

TS. Võ Trí Thành: Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong gần 40 năm Đổi mới, nổi lên như một động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để khu vực này thực sự lớn mạnh và trở thành động lực chính cho sự phát triển bền vững, cần giải quyết những điểm nghẽn lớn liên quan đến thể chế, nguồn vốn, công nghệ và thị trường.

Trước hết, về thể chế, quyền sở hữu tài sản vẫn chưa được đảm bảo đầy đủ, trong khi môi trường kinh doanh vẫn tồn tại sự bất bình đẳng. Các quy trình hành chính phức tạp làm gia tăng chi phí giao dịch, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và các hộ kinh doanh. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cải cách thể chế cần tập trung vào việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, có khả năng giải trình và giảm thiểu méo mó trên các thị trường nhân tố sản xuất như vốn, đất đai và lao động. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực mà còn tạo niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ hai, khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là SMEs, vẫn là một vấn đề nan giải. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đều có quy mô nhỏ, với hơn 70% có vốn đăng ký dưới 5 tỷ VNĐ và dưới 10 lao động. Sự thiếu hụt các chính sách tín dụng ưu đãi, cùng với các rào cản về thủ tục hành chính, đã hạn chế khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh. Các chương trình tín dụng cần được cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, đi kèm với các biện pháp thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).

Thứ ba, về công nghệ và năng lực đổi mới sáng tạo, mức đầu tư của khu vực tư nhân vào R&D hiện rất thấp, đặc biệt là ở nhóm SMEs. Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ hiện đại và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này, cần đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống sáng tạo quốc gia, khuyến khích chuyển giao công nghệ, thiết lập các viện nghiên cứu và trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các doanh nghiệp lớn cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng mạng lưới kết nối giữa các nhà cung ứng trong nước và các doanh nghiệp đầu đàn.

Thứ tư, thị trường trong nước chưa phát triển đồng bộ để hỗ trợ tối đa cho khu vực tư nhân. Sự thiếu vắng các cụm liên kết ngành (industrial clusters) mạnh mẽ đã làm giảm năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân. Việc thiết lập các cụm liên kết ngành với sự tham gia của các doanh nghiệp tiên phong, tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức hỗ trợ sẽ là một hướng đi quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng giá trị xuất khẩu.

PV: Trong điều kiện nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, ông có những khuyến nghị gì để khu vực kinh tế tư nhân có thể đóng vai trò trụ cột chính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong những năm tới?

TS. Võ Trí Thành: Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công còn hạn chế, việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành trụ cột chính của nền kinh tế là nhiệm vụ cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược. Khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng mà còn là hạt nhân của sự đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Để khu vực kinh tế tư nhân có thể đảm nhận vai trò này, trước hết, cần tập trung xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và tiên liệu được. Các cải cách thể chế cần đặt trọng tâm vào việc bảo đảm quyền sở hữu tài sản, giảm bớt sự méo mó trong các thị trường nhân tố sản xuất như vốn, lao động và đất đai, đồng thời cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới (World Bank), việc tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và cạnh tranh sẽ là nền tảng để khu vực tư nhân phát triển bền vững và đóng góp nhiều hơn vào GDP quốc gia.

Ngoài ra, thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những bước đi không thể thiếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và các yêu cầu về phát triển bền vững toàn cầu. Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn, cần tập trung đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới công nghệ và xây dựng các chiến lược phát triển gắn với các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn mở rộng cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh và thị trường quốc tế.

Cùng với đó, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là yếu tố quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cũng như startups trong quá trình phát triển. Các cơ chế khuyến khích đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cung cấp vốn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những chính sách cần được thực thi mạnh mẽ. Theo các báo cáo quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về số lượng thương vụ đầu tư vào startups, nhưng vẫn còn dư địa lớn để cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Một khía cạnh quan trọng khác là tăng cường hợp tác công-tư (PPP) trong các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ cao. Hợp tác này không chỉ huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực quản trị và tham gia sâu hơn vào các dự án lớn, qua đó tăng cường vị thế của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.

Cuối cùng, để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế, cần xây dựng một tầm nhìn chiến lược toàn diện, kết hợp giữa nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chính phủ cần cam kết thúc đẩy cải cách thể chế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh cao. Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, định hướng chiến lược dài hạn và đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực.

Việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn là nền tảng cho sự thịnh vượng bền vững của Việt Nam trong dài hạn. Đất nước cần những doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có khả năng dẫn dắt các ngành kinh tế chủ lực, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Với ý chí quyết tâm và các chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này trong những năm tới.

Trân trọng cảm ơn TS. Võ Trí Thành đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc, tiếp thêm niềm tin và động lực cho kinh tế Việt Nam trong năm mới Ất Tỵ 2025!

FDI và đầu tư công: Cú hích lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2025

Kinh tế Việt Nam 2025: Điểm sáng từ những động lực tăng trưởng mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-vo-tri-thanh-kinh-te-viet-nam-nam-2025-can-dot-pha-tu-noi-luc-de-tang-truong-ben-vung-273929.html
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TS. Võ Trí Thành: Kinh tế Việt Nam năm 2025 cần đột phá từ nội lực để tăng trưởng bền vững
    POWERED BY ONECMS & INTECH