Chuyển động thị trường

TTCK 3 tuần cuối năm 2024, chú ý câu chuyện tỷ giá USD và chính sách BoJ

Trần Bình 10/12/2024 - 11:00

Ngay sau phiên tăng mạnh 27 điểm, thị trường chứng khoán có dấu hiệu chững lại với những biến động giằng co, đặt ra nghi vấn: Liệu phiên 5/12 có phải là một "bẫy tăng giá" (bull trap)? Thị trường sẽ diễn biến ra sao trong tháng 12?

TTCK 3 tuần cuối năm 2024, chú ý câu chuyện tỷ giá USD và chính sách BoJ
Bà Trịnh Thị Hương, chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset

Ngày 5/12, VN-Index có phiên bùng nổ theo đà (FTD) đáng chú ý, tăng 27 điểm với thanh khoản cải thiện mạnh, phản ánh tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư sau giai đoạn đi ngang kéo dài. Tuy nhiên, chỉ sau vài phiên, thị trường bắt đầu chậm lại với những dấu hiệu giằng co, khiến giới đầu tư đặt câu hỏi: Liệu phiên 5/12 chỉ là một cái bẫy tăng giá (bull trap)? Kịch bản nào sẽ xảy ra cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 12?

Theo bà Trịnh Thị Hương, chuyên gia từ Chứng khoán Mirae Asset, VN-Index sau ngày bùng nổ FTD đang hình thành các mẫu nến doji thân ngắn, cho thấy tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư tại vùng 1.270 điểm. “Việc vượt kháng cự 1.260 là một tín hiệu tích cực, giúp thị trường thu hút dòng tiền trở lại. Nếu xác nhận được đáy thứ hai, VN-Index có thể hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn ở vùng 1.290-1.300 điểm”, bà Hương nhận định.

Tỷ giá và câu chuyện ngắn hạn cho thị trường

Một yếu tố khác hỗ trợ thị trường là chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY). Dù DXY vẫn ở mức cao, nó đã có dấu hiệu tạo đỉnh ngắn hạn tại mốc 107. Bà Hương dẫn chứng: “DXY và VN-Index thường có mối tương quan nghịch. Khi DXY đi xuống, VN-Index thường có cơ hội đi lên. Đây có thể là động lực ngắn hạn cho thị trường vào những tuần cuối năm 2024”.

Trong bối cảnh đó, diễn biến chính sách tiền tệ toàn cầu cũng mang lại những thách thức mới. Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ tư thế giới – đang cân nhắc tăng lãi suất ngay trong tháng 12, theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Đây sẽ là một bước ngoặt lớn, bởi BoJ là một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới và chính sách của họ có ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá hối đoái và dòng vốn đầu tư toàn cầu.

“Nếu BoJ tăng lãi suất, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam để quay trở lại thị trường nội địa với lợi suất cao hơn. Điều này không chỉ gây áp lực lên VN-Index mà còn ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào các ngành phụ thuộc vào xuất khẩu, vốn nhạy cảm với tỷ giá như dệt may, thủy sản và logistics", bà Hương giải thích.

Một tín hiệu quan trọng khác đến từ giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) yên Nhật, một chiến lược đầu tư từng phổ biến nhưng cũng gây ra nhiều biến động lớn. “Sự thoái trào của carry-trade vào đầu tháng 8 đã xóa sổ 6.400 tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường cổ phiếu toàn cầu trong ba tuần. Nếu carry-trade trở lại mạnh mẽ, các thị trường tài chính, bao gồm Việt Nam, có thể chịu ảnh hưởng lớn”, bà Hương nhấn mạnh.

Những kỳ vọng tích cực cho năm 2025

Dẫu vậy, vị chuyên gia cũng đề cập đến những yếu tố tích cực dài hạn với nhấn mạnh: "Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi là một cú hích lớn, không chỉ gia tăng thanh khoản mà còn thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ khối ngoại.

Theo thống kê, các thị trường thường bắt đầu "chạy" trước khoảng 6 tháng khi có thông tin nâng hạng chính thức. Giai đoạn từ tháng 3/2025 đến tháng 9/2025 có thể là thời kỳ sôi động của thị trường, với tâm điểm là các ngành như ngân hàng, bất động sản và sản xuất".

Trong bối cảnh thị trường chịu tác động từ cả yếu tố trong và ngoài nước, nhà đầu tư được khuyến nghị cần có chiến lược linh hoạt, theo dõi sát sao các nhóm ngành tiềm năng như bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư công, thép và ngân hàng để tối ưu lợi nhuận. "Định giá hợp lý và triển vọng tăng trưởng là yếu tố cần thiết để lựa chọn cổ phiếu”, bà Hương gợi ý.

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang dao động tại vùng 1.270-1.280 điểm, những tín hiệu tích cực từ dòng vốn ngoại, sự ổn định của tỷ giá và triển vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025 mang lại cơ hội lớn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, áp lực từ chính sách lãi suất toàn cầu, carry-trade yên Nhật và sự lưỡng lự của dòng tiền nội địa đòi hỏi nhà đầu tư cần thận trọng và linh hoạt trong từng quyết định giao dịch.

>>

Mua gì cho danh mục chứng khoán cuối năm 2024?

Chuyên gia: Chiếm 70% chỉ số chứng khoán toàn cầu, Mỹ khơi mào cú nổ chưa từng có của ‘bong bóng’ lớn nhất lịch sử

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ttck-3-tuan-cuoi-nam-2024-chu-y-cau-chuyen-ty-gia-usd-va-chinh-sach-boj-264875.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TTCK 3 tuần cuối năm 2024, chú ý câu chuyện tỷ giá USD và chính sách BoJ
    POWERED BY ONECMS & INTECH