Từ 1/3, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ sau sáp nhập như thế nào?
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ. Nghị định này có hiệu lực từ 1/3.
Theo Nghị định 25/2025, Bộ Nội vụ  còn 22 đơn vị gồm 18 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ chức năng quản lý Nhà nước và 4 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý Nhà nước.
Cụ thể, 18 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ chức năng quản lý Nhà nước gồm: Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách hành chính, Vụ Công tác thanh niên và Bình đẳng giới, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thanh tra bộ, Văn phòng bộ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Cục Tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Người có công, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Bốn đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý Nhà nước gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin, Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và lao động, Tạp chí Tổ chức nhà nước và lao động, Báo Dân trí.
Bộ Nội vụ được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện nay của Bộ Nội vụ và chức năng quản lý Nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
>>Bộ máy và nhân sự Chính phủ dự kiến sẽ thay đổi như thế nào sau sắp xếp? 
![]() |
Trụ sở Bộ Nội Vụ. Ảnh: Hoàng Giang |
Hai bộ sau khi sáp nhập đã thống nhất vị trí làm việc tại trụ sở Bộ Nội vụ, số 8 Tôn Thất Thuyết, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn tiếp tục làm việc ở trụ sở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (số 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gồm: Vụ Kế hoạch – Tài chính, Thanh tra bộ, Cục Người có công, Cục Việc làm, Nhà khách người có công, Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Bộ Nội vụ đang tiếp tục tiến hành sắp xếp nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp trưởng, phó. Trong đó, sẽ bám sát Kết luận 40/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026.
Bên cạnh đó, để thuận lợi cho công tác sắp xếp cũng như tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát triển, Bộ Nội vụ khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thời gian công tác dưới năm năm tự nguyện nghỉ chế độ.
Trên tinh thần đó, hiện đã có nhiều cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi và được cấp thẩm quyền cho phép. Còn một số khác phải đợi xong quá trình hợp nhất sẽ tiếp tục xem xét.
Sáp nhập còn trên dưới 40 tỉnh, thành không chỉ là tinh gọn trên bản đồ 
Sáp nhập tỉnh: Việt Nam còn bao nhiêu tỉnh, thành là phù hợp?