Từ bây giờ, tỉnh cuối của đường bờ biển Việt Nam có 2 thành phố được ‘lên hạng’
Một trong 2 thành phố được ‘lên hạng’ là thành phố hải đảo đầu tiên của Việt Nam.
Ngày 21/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính thức công nhận TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang  là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự phát triển của hai thành phố trong thời gian qua. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành 21/1/2025.
Đối với TP. Rạch Giá, phạm vi đô thị loại I  bao gồm toàn bộ địa giới hành chính hiện hữu của thành phố. Khu vực nội thành được xác định là toàn bộ địa giới hành chính của 10 phường: An Bình, An Hòa, Rạch Sỏi, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Lạc, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quang, Vĩnh Thanh, Vĩnh Thanh Vân, và Vĩnh Thông. Khu vực ngoại thành gồm xã Phi Thông.
Với TP. Phú Quốc, phạm vi đô thị loại I bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố, trong đó khu vực nội thành dự kiến bao gồm 2 phường (An Thới, Dương Đông) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Cửa Cạn, Cửa Dương, Bãi Thơm). Khu vực ngoại thành gồm xã Thổ Châu.
Năm 2014, TP. Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II. Đến năm 2021, Phú Quốc đã trở thành thành phố hải đảo đầu tiên của Việt Nam, đóng vai trò chiến lược trong quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Kiên Giang. Thành phố được định hướng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và giao thương quốc tế với tiêu chuẩn hiện đại, chất lượng cao, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
>> Dự án đường ven biển 3.200 tỷ đồng ở Phú Quốc được điều chỉnh bổ sung 
Phú Quốc là đầu tàu thúc đẩy du lịch Việt Nam, đưa ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, gắn kết với việc đảm bảo an ninh quốc phòng. Để đạt được những mục tiêu này, thành phố đã triển khai các giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời huy động mạnh mẽ nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Việc công nhận TP. Rạch Giá và TP. Phú Quốc là đô thị loại I không chỉ là sự ghi nhận những thành tựu đã đạt được, mà còn mở ra những cơ hội mới để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy tỉnh Kiên Giang vươn xa hơn trong thời gian tới.
Đường bờ biển nước ta dài 3.260km, trong đó, điểm đầu của đường bờ biển tại cảng Núi Đỏ (Móng Cái, Quảng Ninh) và điểm cuối là cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang). Chiều dài này chưa kể bờ biển của các hải đảo, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.