Từ chuyện hồ Thác Bà thoát hiểm: Cần sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa
Vào 5h ngày 11/9/2024, mực nước hồ Thác Bà lên tới 59,84m, chỉ còn khoảng 1,36m nữa, công trình thuỷ điện lâu nhất miền Bắc đối mặt với nguy cơ mất an toàn, có thể gây thảm họa cho vùng hạ du. Cơ quan chức năng đã chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, nhưng may mắn, điều đó đã không xảy ra. Sau sự việc, Bộ TN&MT đề xuất phải sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng.
Bom nước
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, dù không phải cơn bão gây mưa lớn nhất lịch sử nhưng có hai yếu tố dị thường khiến bão YAGI đưa miền Bắc vào đợt mưa lũ nghiêm trọng nhất lịch sử kể từ khi có dữ liệu quan trắc. Yếu tố dị thường thứ nhất, bão đổ bộ vào thời điểm gần cuối mùa mưa, khi các hồ chứa thuỷ điện đã thực hiện tích nước phát điện cho mùa khô.
Yếu tố dị thường thứ hai, mưa lớn chỉ tập trung trên một số lưu vực sông như sông Thao, sông Lô - Gâm, sông Thái Bình. Trong đó Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai - những địa phương nằm trên lưu vực sông Chảy đổ về hồ Thác Bà chính là những nơi mưa dữ dội nhất, khiến lưu lượng nước về hồ lớn chưa từng có, đẩy công trình thuỷ điện lâu đời nhất miền Bắc - với 3,9 tỷ mét khối nước - ở tình huống có thể mất an toàn, gây “thảm họa” cho vùng hạ du.
Hồ Thuỷ điện Thác Bà ngày 12/9, một ngày sau khi chạm mực nước đỉnh 59,84m. Ảnh: Phạm Trường |
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà  lúc 9 giờ ngày 10/9 là 5.620m3/s, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.
Theo PGS.TS Phạm Quý Nhân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Hà Nội, câu chuyện hồ thuỷ điện Thác Bà đặt ra cho chúng ta bài học cần phải xem xét lại quy trình vận hành liên hồ chứa trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt. Ông Nhân cho rằng cần phải tính toán, lồng ghép các yếu tố thời tiết, khí hậu cực đoan vào quy trình vận hành liên hồ chứa, đồng thời cần nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm thiên tai.
NGHIÊM HUÊ
Ngày 10/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3 và mưa lũ sau bão, yêu cầu Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái tìm mọi biện pháp kiểm soát nước lũ từ thượng lưu chảy về hồ Thác Bà. Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, phương án phá đập phụ số 4 đã được chuẩn bị sẵn sàng để “giải cứu” đập chính nếu tình huống xấu nhất đến. Dù vậy, theo ông đây vẫn là lựa chọn vô cùng khó khăn bởi phá đập phụ, toàn bộ hạ tầng, tài sản của người dân sẽ mất đi, có thể phải mất nhiều năm mới khôi phục được.
Vào 17h00 ngày 10/9, hồ thuỷ điện Thác Bà kích hoạt chế độ vận hành đặc biệt khi mực nước lên 59,62m, vào 5h ngày 11/9 lên tới 59,84m. Theo lý thuyết, nếu mực nước hồ lên tới 61m sẽ phải thực hiện các phương án xấu nhất là phá đập phụ số 4 để đảm bảo an toàn cho đập chính, tránh một thảm họa nhấn chìm vùng hạ du. May mắn thay, từ ngày 11/9, số liệu dự báo khí tượng thủy văn cho thấy, mưa giảm nhanh trên lưu vực sông Chảy. Đến trưa ngày 11/9, lưu lượng nước về hồ tương đương lưu lượng xả, những gì nguy hiểm nhất ở lại phía sau.
Đề xuất sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa
Từ câu chuyện hồ Thác Bà, Bộ TN&MT có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh/thành phố và các đơn vị quản lý, vận hành hồ trên lưu vực sông Hồng nghiên cứu, góp ý để sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng. Theo Bộ TN&MT, hiện nay việc vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Hồng được thực hiện theo Quyết định 740 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quy trình 740). Quy trình này được tính toán, xây dựng và thiết lập các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên phối hợp vận hành giữa các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Hồng để bảo đảm an toàn chống lũ, dòng chảy tối thiểu, nhu cầu sử dụng nước cho hạ du và hiệu quả phát điện của các công trình hồ chứa thủy điện.
Tuy nhiên, theo Bộ TN&MT, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết ngày càng có xu hướng bất thường, cực đoan, khó dự đoán, điển hình như đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão YAGI vừa qua đã làm xuất hiện lũ lịch sử trên nhiều nhánh sông ở cả thượng lưu và hạ lưu vào thời kỳ lũ muộn. Vì vậy, cần phải rà soát lại một số quy định của Quy trình 740 cũng như hiện trạng công tác xây dựng, triển khai các phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và các cơ sở hạ tầng ở hạ du lưu vực sông Hồng.
Các nội dung trọng tâm sẽ sửa đổi bổ sung gồm thời kỳ vận hành mùa lũ, mùa cạn và phân kỳ các thời kỳ vận hành trong mùa lũ. Các tình huống bất thường, khẩn cấp để đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du. Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan cũng như dung tích phòng lũ tương ứng với từng thời kỳ lũ sớm, lũ chính vụ, lũ muộn và đề xuất phương án vận hành linh hoạt.
Riêng đối với hồ Thác Bà, Bộ TN&MT đề nghị khẩn trương nghiên cứu tính toán lại các đặc trưng lũ thiết kế, lũ kiểm tra trên cơ sở cập nhật trận lũ lịch sử đã xảy ra do cơn bão số 3 vừa qua. Trên cơ sở đó đánh giá lại mức độ đảm bảo an toàn công trình, nghiên cứu phương án bổ sung hạng mục công trình xả lũ để đảm bảo an toàn công trình và an toàn tính mạng, tài sản của người dân ở hạ du trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ TN&MT đề nghị các Bộ: NN&PTNT, Công thương, UBND các tỉnh/thành phố và các đơn vị quản lý, vận hành hồ trên lưu vực sông Hồng gửi phương án đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy trình 740 về Bộ TN&MT trước ngày 31/12/2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
GS.TS Phạm Ngọc Quý, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy Lợi, cho biết: Với hồ, đập hay đê sông, đê biển cũng vậy, chỉ thiết kế với một mực nước nhất định, đáp ứng một tần suất bão, lũ nhất định. Tuỳ công trình quan trọng ở mức nào, sẽ thiết kế tăng tần suất lên (giá trị tần suất nhỏ). Như hồ Thác Bà, khi chúng ta làm đập (1971), chúng ta chỉ có nguồn tài liệu quan trắc thời điểm đó. Đã vài thập kỷ trôi qua, chúng ta cần phải cập nhật thêm thông tin quan trắc, hồ vẫn theo tần suất lũ thiết kế trước đây, nhưng quá trình lũ xảy ra đã khác. Chúng ta cần cập nhật dữ liệu để xử lý theo đúng quy trình.
Thứ hai, cần phải tính đến lũ vượt thiết kế. Có nghĩa là hồ đập đã được thiết kế với tần suất trước đó, nhưng lũ đến với tần suất lớn hơn, vượt thiết kế thì phải có biện pháp ứng xử. Có một giải pháp được đặt ra từ những năm 90 của thế kỷ trước, là chặn dòng, chuyển hướng để giảm lượng nước về hồ chính, nước rẽ sang nhánh khác. Nhưng được cái nọ thì phải mất cái kia. Người dân ở khu vực chuyển nước sẽ phải chịu vất vả, thiệt hại.
>> Hồ thủy điện Thác Bà tiếp tục mở cửa xả lũ, chuẩn bị cho tình huống mưa lũ mới 
Trà Vinh khởi công dự án hồ chứa nước ngọt hơn 1.300 tỷ đồng 
Xuất hiện Facebook giả mạo kêu gọi quyên góp, ủng hộ chùa Phổ Quang